Patthana 014
Đức Phật nói có ba Pháp mà chúng ta cần phải biết đó là Pháp Thiện, Pháp Bất Thiện, và Pháp Vô Ký. Pháp Thiện có năm ý nghĩa đó là: khôn khéo, mạnh khỏe, tốt đẹp, lợi ích, và cho Quả an vui; Pháp Bất Thiện cũng có năm ý nghĩa trái ngược là vụng về, bệnh hoạn, xấu xa, vô ích, và cho Quả khổ đau. Pháp Vô Ký là Pháp không để lại Quả vì chính nó đã là Quả hoặc là Duy Tác. Quả thì có hai là Quả Phala là Quả trổ sinh liền khi tạo tác, và Quả Vipāka là Quả Dị Thục, là Quả trổ sinh chín muồi sai biệt với thời gian tạo tác. Duy Tác có Hiệp Thế và Siêu Thế và không để lại Quả, như vậy Pháp Vô Ký hoặc Duy Tác hoặc là Quả thì không còn cho ra Quả nữa. Thiện và Bất Thiện thì còn cho ra quả báo, an vui hoặc khổ đau.
Sống trong Chánh Niệm, hoặc trong tu tập Tứ Niệm Xứ thì cần hiểu những mối liên hệ giữa Thân, Thọ, Tâm, Pháp, và những mối liên hệ đó được diễn tả như là:
“Khi Thân có Thọ, thì Tâm có Pháp; khi Thân có Pháp thì Tâm có Thọ”
Thọ là một Tâm Sở, cùng đi với Tâm hoặc nương vào Tâm theo Pháp Tứ Đồng, và không tự nó có được, do vậy nên điều trọng yếu trong Tứ Niệm Xứ là Tâm, và không phải Thọ. Tâm có thực tính biết, và nó biết Tâm (biết chính nó), Tâm biết Thân, Tâm biết Thọ, và Tâm biết Pháp. Trong trường hợp Tâm biết Tâm là khi đó có Tâm trong Tâm. Tâm có hai thể loại: Tâm Dị Thục Quả và Tâm Đổng Lực. Tâm Đổng Lực là Tâm tạo tác nghiệp, và Tâm Dị Thục Quả là Tâm Quả.
Thân và Tâm là hai thành phần tinh thần (Danh) và vật chất (Sắc) trong con người, và chúng có mối liên hệ, hay kết nối với nhau. Khi Thân có Thọ Khổ, thì Tâm có Thọ Ưu; khi Thân có Thọ Lạc thì Tâm có Thọ Hỷ, và ngoài ra Tâm còn có cảm thọ xả (Thọ Xả) không hỷ cũng không ưu. Thân Thọ Khổ là Quả Dị Thục do Nhân Bất Thiện tạo tác trong quá khứ. Thân Thọ Lạc là Quả Dị Thục do Nhân Thiện tạo tác trong quá khứ. Khi Thân có Khổ hoặc Lạc thì quan sát Tâm, và không để Tâm Đổng Lực (Javana) tạo tác thêm nghiệp lực. Tâm Đổng Lực tạo tác ba loại Nghiệp là Hiện Báo Nghiệp Lực, Hậu Báo Nghiệp Lực, và Hậu Hậu Báo Nghiệp Lực. Nếu không biết những điều này thì chúng ta cứ trôi lăn trong đời với Vô Minh duyên Hành, tức là tạo tác do Vô Minh dẫn dắt.
Đức Phật dạy ba Pháp: vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự xuất ly. Khi có vị ngọt thì phải biết sau vị ngọt đó là sự nguy hiểm, cần phải xuất ly; tức là khi có vị ngọt thì phải có Niệm, không có Niệm lại phóng dật thì khổ liền đến với chúng ta, và không có con đường xuất ly, lại bị đắm chìm trong khổ đó. Với người tu tập thì khi có Pháp Thiện là phải có Niệm. Niệm được nói đến trong Tứ Niệm Xứ, và hành giả phải luôn ở trong Tứ Niệm Xứ.
Tứ Niệm Xứ: Tứ là bốn; Niệm (Sati) là ghi nhớ; Xứ (Paṭṭhāna) là vị trí, ý nghĩa, trú xứ. Xứ thì có Lục Xứ là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Khi Nhãn bắt Cảnh Sắc thì phải Niệm, nếu không Niệm mà phóng dật thì bị hỏa thiêu toàn bộ những sự tu tập đã tích lũy, như đã trình bày trong bài Kinh Hỏa Thiêu Toàn Bộ. Tương tự khi Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý bắt Cảnh thì luôn phải Niệm, nếu không thì Hỏa Thiêu Toàn Bộ.
Trong Tứ Niệm Xứ luôn có Niệm và tri đắc Xứ. Nếu có Niệm mà không hiểu Xứ, hoặc không hiểu Nhân sinh Xứ, và Nhân sinh Niệm thì bấy giờ chỉ sống trong tập khí, thói quen và không có Tứ Niệm Xứ. Khi có Pháp Thiện và nếu không có Niệm, lại phóng dật thì sẽ khổ và sẽ trầm luân trong khổ, không xuất ly được. Đối với Pháp Bất Thiện còn khổ hơn nữa, vì Quả Bất Thiện thì không an vui, do vậy khi nào đến Vô Ký Duy Tác thì mới an vui. Người bình thường thích Pháp Thiện vì Pháp Thiện tốt hơn Bất Thiện và cho Quả an vui, nhưng Bậc Hiền Trí lại muốn Vô Ký để giải thoát, và không thích Thiện hoặc Bất Thiện vì cả hai còn cho quả báo. Tu tập là khi có vị ngọt thì phải có Niệm; khi khổ đến phải có Niệm để xuất ly, để không bị dính mắc. Không có Niệm thì Phóng Dật dẫn đến không biết bao nhiêu việc nữa, sau cái ngọt hoặc cái khổ đó. Kinh Pháp Cú có nói Phóng Dật như là chết rồi.
Học Phát Thú là phải lấy Ba Mươi Bảy Pháp Đẳng Giác Phần để sát cận với những Pháp mà chúng ta tiếp xúc, và được như vậy thì chúng ta không làm theo Vô Minh duyên Hành và làm trong Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tư Như Ý Túc, để chúng ta chuyển khởi (Pavatti) Pháp Thiện đến Vô Ký, và không bị trôi lăn.