Patthana 020

GIỚI THIỆU PHÁP THIỆN

 

Thuật ngữ Paṭṭhāna có nghĩa xuất xứ, xuất phát, căn nguyên, hoặc nguồn gốc, như vậy có nhiều từ ngữ, ý nghĩa xiển minh trong thuật ngữ PaṭṭhānaPaṭṭhāna là Pháp cùng tột mà tất cả Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đã tìm ra.  Đức Phật đã chiêm nghiệm Pháp này trong suốt bảy ngày, và có những vấn đề như sau:

. 22 Tam Đề (Tīka) hoặc Mẫu Đề Tam, ví dụ Tam Đề Thiện có ba Pháp là Pháp Thiện, Pháp Bất Thiện, Pháp Vô Ký.

. 100 Nhị Đề (Dukā), ví dụ Nhị Đề Nhân có hai: Pháp Hữu Nhân, Pháp Vô Nhân.

Khi nói đến Pháp có hai, đó là Tâm và Tâm Sở phối hợp, và như vậy mới tròn đủ một Pháp, nếu chỉ nói đến Tâm hoặc Tâm Sở thôi thì chưa đủ một Pháp.

          Ví dụ: Pháp Thiện (Kusala Dhammā): Tâm Thiện phối hợp Tâm Sở Tịnh Hảo.

Kusala Dhammā = [(Kusala (Thiện) + Dhammā (Pháp) là số nhiều] là những Pháp Thiện.  Kusala Dhamma với Dhamma là Pháp (số ít), là Pháp Thiện.

Pháp Bất Thiện (Akusala Dhammā): Tâm Bất Thiện phối hợp Tâm Sở Bất Thiện.

Pháp Vô Ký (Abyakatā Dhammā): Pháp không để lại quả, có hai là Dị Thục Quả (Vipāka) và Duy Tác (Kiriyā).  Pháp Dị Thục Quả (Vipāka) có Tâm Dị Thục Quả phối hợp với Tâm Sở.  Pháp Duy Tác có Tâm Duy Tác phối hợp Tâm Sở.

Quả và Duy Tác được chia làm hai như sau:

          . Quả: Có hai, đó là Vipāka Phala.  Dị Thục Quả (Vipāka) là Quả chín muồi trổ sinh sai biệt thời gian tạo tác.  Quả trổ sinh liền là Quả Phala, ví dụ Magga (Đạo) liền tiếp theo là Quả Phala trổ sinh không qua thời gian.

          . Duy Tác (Kiriyā) là chỉ có hành động, không để lại Quả.  Có hai loại là: Duy Tác Vô Nhân và Duy Tác Hữu Nhân.

. Duy Tác Vô Nhân: Có cả hai Phàm Phu và Bậc Vô Sinh, ví dụ như các Tâm Khai Ngũ Môn, Tâm Khai Ý Môn là những Tâm chỉ làm việc mở cửa Lộ Ngũ hoặc mở cửa Lộ Ý mà không để lại quả.

. Duy Tác Hữu Nhân: Chỉ có ở Bậc Vô Sinh, đó là 8 Tâm Đại Duy Tác, 5 Tâm Duy Tác Sắc Giới, 4 Tâm Duy Tác Vô Sắc Giới.  Bậc Vô Sinh khi chưa Vô Dư Y Níp Bàn và sống với những nghiệp dư sót thì dùng Tâm Duy Tác, và không tạo tác thêm một nghiệp báo nào nữa.  Chư Thánh Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả cũng không có những Tâm Duy Tác Hữu Nhân này.  Như vậy chúng ta thấy chúng sinh còn ở trong đời này thì tạo tác, và không ngừng tạo tác thêm nữa.  Biết là vẫn còn tạo tác và còn cho Quả thì chúng ta phải biết chọn lọc hướng Tâm mình đến việc Thiện, để có được Quả an lành, an vui, và tránh những Bất Thiện để không có Quả khổ đau.  Và như vậy mới có sự lợi ích cho việc tu tập của chính mình.

Một Tam Đề có ba Pháp và 22 Tam Đề thì tất cả là 66 Pháp.

Pháp chia theo Chủng Loại (Jāti – Giống) có chín, đó là 1. Giống Câu Sinh, 2. Giống Cảnh, 3. Giống Vô Gián, 4. Giống Vật Tiền Sinh, 5. Giống Hậu Sinh, 6. Giống Vật Thực, 7. Giống Sắc Mạng Quyền, 8. Giống Thường Cận Y, 9. Giống Dị Thời Nghiệp. [(Bộ Sách Chú Giải, Giảng Giải Tổng Lược Nội Dung Đại Phát Thú, Tập V, trang 89)].   Pháp chia theo Mãnh Lực (Satti) có ba là: mãnh lực Xuất Sinh, mãnh lực Bảo Hộ, và mãnh lực Xuất Sinh - Bảo Hộ.  [(Giảng Giải Tổng Lược Nội Dung Đại Phát thú, Tập V, trang 92-93)].

Khi làm một việc Thiện thì trổ Quả theo ba loại là 8 Quả Phước, 12 Quả Phước, hoặc 16 Quả Phước.  Kinh Pháp Cú chỉ nói đến 16 Quả Phước mà không nói đến 8 hoặc 12 Quả Phước. [(Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp, Tập I, Chương I)] có nói về những Quả Phước này, ở đây chỉ xin trình bày ngắn gọn ba loại Quả Phước như sau: 1. 8 Quả Phước: Làm việc Thiện thiếu Tư* và thiếu Trí cho 8 Tâm Quả Dị Thục Thiện Vô Nhân; 2. 12 Quả Phước: Làm việc Thiện có Tư* nhưng thiếu Trí cho 12 Tâm Quả Dị Thục là 8 Tâm Quả Thiện Vô Nhân và 4 Tâm Quả Thiện Hữu Nhân; 3. 16 Quả Phước: Làm việc Thiện có Tư* và có Trí cho 16 Tâm Quả Dị Thục là 8 Tâm Quả Thiện Vô Nhân và 8 Tâm Quả Thiện Hữu Nhân.  Và khi làm một việc Bất Thiện theo 1 hoặc 12 Tâm Bất Thiện thì chỉ có 7 Quả Dị Thục là 7 Tâm Quả Bất Thiện Vô Nhân.

          *Tam Tư (Cetanā) là Tư Tiền, Tư Hiện và Tư Hậu. Với Tư Tiền là tác ý hoan hỷ trước khi thực hiện.  Trước khi làm việc Thiện thì phải có sự suy nghĩ hiểu biết rồi mới làm, chứ không phải làm theo ngẫu hứng, làm một cách máy móc, hoặc làm theo Tâm của người khác, hay do người khác đốc thúc, hướng dẫn. Với Tư Hiện là tác ý tịnh tín đang khi làm.  Và với Tư Hậu là tác ý hoan hỷ sau khi đã thực hiện Thiện Sự.

Trí có ba là Trí Văn, Trí Tư, và Trí Tu. Với Trí Văn là Trí do học Kinh (Suttanta) sách, thính Pháp mà có. Với Trí Tư (Cetanā) là tư duy, suy ngẫm với Pháp đã học.  Suy nghĩ đúng đắn trước khi làm một việc.  Với Trí Tu là Tu Tập (Bhāvanā) An Chỉ và Minh Sát Tuệ.

Có tất cả 6 Nhóm Phát Thú là: 1. Tam Đề, 2. Nhị Đề, 3. Tam Đề Tam Đề, 4. Nhị Đề Nhị Đề, 5. Nhị Đề Tam Đề, 6. Tam Đề Nhị Đề, có rất nhiều Pháp, trùng trùng Duyên Khởi.  [(Bộ Chú Giải: Giảng Giải Tổng Lược Nội Dung Đại Phát Thú, Tập I, trang 23 có trình bày số lượng Pháp)].