Patthana 004
Trong Bộ Paṭṭhāna (Phát Thú) trình bày các Mẫu Đề, có 22 Mẫu Đề Tam gọi vắn tắt là Tam Đề; có 100 Mẫu Đề Nhị gọi vắn tắt là Nhị Đề; các Mẫu Đề Phối Hợp giữa Tam Đề với Nhị Đề, Nhị Đề với Tam Đề, Tam Đề với Tam Đề, và Nhị Đề với Nhị Đề, thế nhưng trọng tâm của những Pháp Thoại là các vấn đề xoay quanh Mẫu Đề Tam, Tam Đề Thiện, Pháp Thực Tính Thiện làm duyên Pháp Thực Tính Thiện (Câu # 1).
22 Mẫu Đề Tam (Mātikā) được trình bày trong hai quyển Chánh Tạng, Phần I và Phần II, cùng với Bộ Chú Giải Chánh Tạng cũng gồm hai Phần, Phần I là Chú Giải cho Chánh Tạng Phần I, và Chú Giải Phần II cho Chánh Tạng Phần II. Cả hai Bộ Chánh Tạng và Bộ Chú Giải này đã được ấn tống và phát hành hỗ trợ cho việc tham khảo học hỏi cho những buổi Pháp Thoại. Ngoài ra còn có Bộ Sách Chú Giải, gồm năm quyển, [(Giảng Giải Tổng Lược Nội Dung Đại Phát Thú) của tác giả Đại Trưởng Lão Saddhamma Jotika], đã được phiên dịch bởi Bhikkhu Pasādo, được dùng cho việc tham khảo. Bộ Giảng Giải Tổng Lược Nội Dung Đại Phát Thú (5 quyển) này được trình bày chỉ mỗi một Tam Đề Thiện. Thêm nữa là bộ sách Chú Giải, Bộ Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp (Abhidhammaṭṭha Saṅgaha) gồm chín Chương của cùng Tác Giả, và cũng là Bộ sách cần thiết bổ sung cho các kiến thức hỗ trợ cho việc học và tham khảo Bộ Phát Thú này. Bộ Phát Thú trình bày chi tiết cụ thể về Duyên Sinh Duyên Hệ, hay Tác Nhân và Hệ Quả do bởi mãnh lực Duyên, sự cấu trúc hình thành các Pháp. Kim thân Đức Phật đã phún hào quang, tỏa khắp Tam Giới khi chiêm nghiệm về Paṭṭhāna. Và một lần nữa, Đức Phật phún hào quang khi Ngài sắp Đại Viên Tịch Níp Bàn, tại vườn Kusinara, khi Trưởng Lão Ānanda đắp Tăng Già Lê cho Ngài.
Trong những Pháp Đàm về Phát Thú này, cả hai Pháp Học và Pháp Hành được trình bày một cách cân đối qua những ví dụ thực tiễn, cách ứng xử và tu tập trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong việc Tu Tập An Chỉ Định hoặc Thiền Minh Sát trên căn bản Pháp Duyên Sinh Duyên Hệ, Liên Quan Tương Sinh (Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức v.v.,), điều cần thiết cho hành giả ứng dụng Pháp Học vào Pháp Hành làm cho việc tu tập được kết quả và lợi ích. Trong Pháp Hành phải cần có Phát Thú và Vô Tỷ Pháp mới giải thích được, nếu không hành giả sẽ dễ bị tắt ngẽn. Cũng vậy các vị Trưởng Lão ở Miến Điện khi trình bày về Pháp Hành cũng đưa Vô Tỷ Pháp và Phát Thú vào để giảng giải những điều thắc mắc trong Pháp Hành.
Trong Bộ Chú Giải, Giảng Giải Tổng Lược Nội Dung Vô Tỷ Pháp, Tập I, trang 12 – 13, có hướng dẫn ba phương pháp để học, đó là: 1. Học tuần tự mỗi Chủ Đề; 2. Học từng mỗi Duyên theo thứ tự hạn định của mỗi Chủ Đề; 3. Học từng mỗi Giống (hoặc từng mỗi một nhóm) theo thứ tự hạn định của mỗi Chủ Đề. Trong Bộ Phát Thú không nói về con người mà chỉ nói về Pháp, Duyên, mãnh lực của Duyên, và cấu trúc hình thành Pháp, và các Pháp này được trình bày qua 22 Mẫu Đề Tam, mà được chia sẻ và tham khảo qua phần Tam Đề Thiện, là Tam Đề thứ nhứt trong 22 Tam Đề.