Patthana 006

Khi nói đến Pháp Thiện, hoặc Pháp Bất Thiện thì trong Tạng Kinh không có nói nhiều về hai Pháp này, thế nhưng trong Bộ Phát Thú thì trình bày rất rõ ràng, do vậy Bộ Phát Thú với Tam Đề Thiện, Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện  được trình bày ở đây để hỗ trợ cho hành giả hữu duyên trên con đường tu tập đến giải thoát, và nhất là trong lúc cả thế giới đang ở trong sự hoành hành của dịch bệnh, thiên tai, và những chiến loạn khác.

Từ ngữ Mẫu Đề Tam, hoặc gọi vắn tắt là Tam Đề, có nghĩa là có ba vấn đề được nói đến trong một mẫu đề, như vậy Tam Đề Thiện là có ba vấn đề được nói đến, đó là Pháp Thiện, Pháp Bất Thiện, và Pháp Vô Ký với Pháp Thực Tính Thiện làm duyên, Pháp Thực Tính Bất Thiện làm duyên, và Pháp Thực Tính Vô Ký làm duyên.  Điểm cần lưu ý là trong 22 Tam Đề (hay Mẫu Đề Tam) thì Đức Phật lập ý đưa Tam Đề Thiện lên trước tiên, rồi trong Tam Đề Thiện ấy lại lập ý đưa Mẫu Đề Thiện lên trên trước Mẫu Đề Bất Thiện, và Mẫu Đề Vô Ký.  Và rồi lại đưa Pháp Thực Tính Thiện làm duyên Pháp Thực Tính Thiện lên trên trước so với các Pháp Thực Tính Bất Thiện làm duyên hay Pháp Thực Tính Vô Ký làm duyên.  Đức Phật không đưa ra Tam Đề Bất Thiện, hay Tam Đề Vô Ký, mà cũng không đưa Mẫu Đề Bất Thiện hay Vô Ký lên trước, mà cũng không đưa Pháp Bất Thiện làm duyên, hay Pháp Vô Ký làm duyên lên trước Pháp Thiện.