Patthana 007

Vì sao Đức Phật lại lập ý đưa Pháp Thiện lên trên trước ?

Trong con đường tu tập của Đức Phật thì Ngài luôn luôn đi tới, không dừng lại, không ngoáy nhìn lại phía sau trong suốt 20 A Tăng Kỳ tu tập để thành tựu chú nguyện Bậc Chánh Đẳng Giác.  Như vậy Ngài dạy rằng, Pháp chi mà chúng ta đã có, hoặc chưa có, đã thực hiện, hoặc chưa thực hiện, đã biết, hoặc chưa biết, Pháp ấy dù là Thiện hay là Bất Thiện thì không cần nghĩ đến, và không nên ngoáy lại để nhìn, hoặc nhớ nghĩ lại, hay truy hoài về chúng, mà phải đi tới, và cứ tiếp tục đi tới, không ngừng nghỉ để thực hành Pháp Thiện, và tiếp nối với Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện.  Khi mở mắt thức dậy là chúng ta làm việc Thiện, hết việc Thiện này đến việc Thiện khác, chứ Ta không ngồi nhớ lại, ôn lại những việc Thiện hay Bất Thiện đã qua, mà chúng ta đã làm trong những ngày trước, tuần trước, năm trước, hoặc nhiều năm trước.  Đức Phật dạy chúng ta đi tới, chứ không dạy chúng ta đi lui, cũng không dạy chúng ta dừng lại, như vậy khi chúng ta biết được Phật Pháp, tu học Phật Pháp thì phải đi tới, đừng ôn lại quá khứ.   Đó là tác ý khôn khéo của Đức Phật đã đưa Tam Đề Thiện, Mẫu Đề Thiện, và Pháp Thiện làm duyên lên trước tiên.  Khi mà chúng ta ngoáy lại nhìn hoặc ôn lại quá khứ thì chúng ta nuôi dưỡng tập khí thói quen của chúng ta.  Thêm nữa những Bất Thiện mà ta đã suy nghĩ, nói năng, hoặc hành động trong quá khứ và bây giờ suy nhớ lại, ôn lại thì sẽ tạo một Câu Sinh chúng ta đứng lại và ngoáy lại nhìn nó, thì nó sẽ rượt đuổi kịp đến và chụp lấy chúng ta.  Do vậy Nghiệp Bất Thiện cho thời hiện tại.  Nghiệp báo thì luôn luôn rượt đuổi theo chúng ta, mà Đức Phật đã thật là rất Trí Tuệ và đã tác ý khôn khéo chỉ dạy cho chúng ta đi tới và làm việc Thiện, chạy khỏi Nghiệp báo rượt đuổi theo sau.

Khi chúng ta học Paṭṭhāna, chúng ta sẽ thấy trong mỗi Tam Đề trong 22 Tam Đề đều có nói đến Nghiệp Duyên (Kammapaccayo) và Nghiệp là điều bất khả tư nghì (Acintaya).  Trước mặt ta là Nghiệp Hiện Tại và sau lưng ta là Nghiệp Quá Khứ, thì làm sao chúng ta đương đầu với Nghiệp, do vậy mà chỉ hướng tới và năng nỗ, nhiệt Tâm, cần mẫn làm Thiện.

Trong Phát Thú có nói đến Câu, và Câu là phương cách dùng để trình bày chi Pháp trong Phát Thú và có 7 Câu thuộc Tam Đề Thiện, đó là: 1. Câu # 1: Pháp Thực Tính Thiện làm duyên Pháp Thực Tính Thiện; 2. Câu # 2: Pháp Thực Tính Thiện làm duyên Pháp Thực Tính Vô Ký; 3. Câu # 3: Pháp Thực Tính Thiện làm duyên Pháp Thực Tính Thiện và Vô Ký; 4. Câu # 4: Pháp Thực Tính Bất Thiện làm duyên Pháp Thực Tính Bất Thiện; 5. Câu # 5:  Pháp Thực Tính Bất Thiện làm duyên Pháp Thực Tính Vô Ký; 6. Câu # 6: Pháp Thực Tính Bất Thiện làm duyên Pháp Thực Tính Bất Thiện và Vô Ký; 7. Câu # 7): Pháp Thực Tính Vô Ký làm duyên Pháp Thực Tính Vô Ký.

Trọng tâm những Pháp Thoại ở đây là Câu # 1 Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện, và trước khi đi xa hơn nữa trong Câu # 1 này, chúng ta cần tìm hiểu về Thiện, Pháp Thiện và các yếu tố hình thành một Pháp Thiện.

Pháp Thiện (Kusaladhamma): Một Pháp Thiện được hình thành do ba phần, đó là Thiện Sự; Nhân Sinh Thiện; và Yếu Tố Thiện, hoặc cũng có nghĩa là điều kiện Thiện cần có để tạo tác việc Thiện (Thiện Sự), và Hệ Quả của việc Thiện ấy.  Một Pháp Thiện có cả hai là Tác Nhân và Hệ Quả, tức là khi nói đến Pháp Thiện thì hữu quan đến Pháp Nhân của Thiện và Pháp Quả, là Quả của Pháp Thiện được thực hành.  Có ba Nhân sinh Pháp Thiện, là Nhân Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, và có năm ý nghĩa hay yếu tố để hình thành Pháp Thiện.  Khi nói đến Thiện thì phải biết năm ý nghĩa của Thiện, đó là: khôn khéo, mạnh khỏe, tốt đẹp, lợi ích, và cho quả an vui.

. Khôn Khéo: Khôn + Khéo.  Có khôn mà không khéo thì làm được việc nhưng không hoàn mỹ.  Có khéo mà không khôn thì không làm được việc. Vậy phải có cả khôn lẫn khéo.

. Mạnh Khỏe: Là không bệnh hoạn, lo sợ, không giựt mình, không hồi hợp khi xả thí cho ra hay khi làm việc Thiện.

. Tốt Đẹp: Là nghĩ đến điều tốt mới làm việc Thiện theo đúng nghĩa của việc Thiện.

. Lợi Ích: Việc Thiện đem lợi ích cho mình và cho tha nhân.

. Cho Quả An Vui: Quả an vui cho đời này, an vui cho đời sau, an vui cho cả hai đời.

Pháp Thiện có hai, là: 1. Thiện Tam Nhân là Vô Tham, Vô Sân, Vô Si; và 2. Thiện Nhị Nhân là Vô Tham và Vô Sân, Vô Tham và Vô Si, Vô Sân và Vô Si.

Pháp Bất Thiện (Akusaladhamma): Pháp Bất Thiện cũng có ba thành phần đó là Việc Bất Thiện; Nhân Sinh Bất Thiện; và Yếu Tố Bất Thiện, hoặc điều kiện Bất Thiện để tạo tác ra việc Bất Thiện, và hệ quả của Bất Thiện.  Pháp Bất Thiện có cả hai là Tác Nhân và Hệ Quả.  Ba yếu tố hình thành ra Pháp Bất Thiện là Tham, Sân, Si.  Cũng có năm ý nghĩa của Bất Thiện (Akusala), trái ngược với Thiện (Kusala), đó là: vụng về, bệnh hoạn, xấu xa, bất lợi ích, và cho quả khổ đau.

Pháp Vô Ký (Abyākatadhamma):  Pháp Vô Ký chia làm hai, là Vô Ký Dị Thục Quả, và Vô Ký Duy Tác.  Dị Thục Quả là Quả của Pháp Bất Thiện, hoặc Pháp Thiện đã tạo tác trong thời quá khứ.  Dị là sai biệt, Thục là chín muồi, vậy Quả Dị Thục là Quả chín muồi trổ sinh khác với thời gian tạo tác.  Quả có hai thể loại, đó là Quả trổ sinh liền, gọi là Phala và Quả trổ sai biệt thời gian là Dị Thục Quả, gọi là Vipāka.  Ví dụ một người mắng chửi, hoặc đánh người kia, và người kia chửi mắng lại, hoặc đánh trả lại, đó là Quả Phala.  Khi một người mắng chửi, hoặc đánh người kia, và những ngày sau, tháng sau, hoặc năm sau đó người kia mới đánh chửi lại, đó là Quả Vipāka (Quả Dị Thục).  Khi nói đến Tâm Quả thì liên hệ đến hai phần là Quả Hiệp Thế và Quả Siêu Thế, còn phần Vô Ký Duy Tác thì Bậc Vô Sinh (A La Hán) mới có.