Patthana 008

NĂM Ý NGHĨA PHÁP THỰC TÍNH THIỆN

 

          Pháp Thiện hoặc Thực Tính Thiện có năm ý nghĩa, đó là khôn khéo, mạnh khỏe, tốt đẹp, lợi ích, và cho Quả an vui như đã giới thiệu ở phần trên.  Năm ý nghĩa này như là thước đo giúp chúng ta khảo xét việc Thiện mà được thực hiện.

  1. Ý Nghĩa Khôn Khéo Của Thiện

Khôn khéo là yếu tố hoặc ý nghĩa đầu tiên của Pháp Thiện.  Khôn khéo có hai ý nghĩa, có khôn thì phải khéo, và có khéo thì phải khôn; có khôn mà không khéo thì có khi việc làm không chu toàn; có khéo mà không khôn thì không đạt được kết quả mỹ mãn; hai cái này phải hỗ trợ lẫn nhau.  Vậy khi Tâm chúng ta từ trong Ý hiện bày ra lời, hay hiện bày ra thân hành động phải được khôn khéo.

. Ý khôn khéo là Ý Vô Tham, Vô Sân, Vô Tà Kiến, và đó là ba Ý Thiện Nghiệp trong Thập Thiện Nghiệp.

. Thân khôn khéo là Thân không sát sinh, không trộm cắp, không tính dục tà hạnh, và đó là ba Thân Nghiệp Thiện trong Thập Thiện Nghiệp.

. Ngữ khôn khéo là Ngữ không có thô ác, không có vọng ngữ, không có lưỡng thiệt, không có hồ ngôn loạn ngữ.

Tất cả đây là những ý nghĩa trong Thập Thiện Nghiệp (gồm ba về Thân, bốn về Ngữ, và ba về Ý), và cũng là những điều kiện để thực hiện Thập Phúc Hành Tông, hay Thập Phúc Nghiệp Sự.  Xả Thí là Pháp đầu tiên của Thập Phúc Nghiệp Sự hoặc Thập Phúc Hành Tông, và khi nói đến Xả Thí là chúng ta nghĩ ngay đến việc cho ra hoặc Bố Thí, thế nhưng nên hiểu rằng khi cho đến một người thì không gọi là bố thí, mà phải cho đến hai người trở lên mới được gọi là bố thí.  Khi làm việc xả thí đến một người mà nói là bố thí thì phạm vào Giới vọng ngữ, cho vậy người tu tập nên phải nói cho đúng khi nào là “Xả Thí” khi nào là “Bố Thí” để tránh phạm điều học giới, hay phạm vào ngữ không khôn khéo.  Xả là buông ra, không dính mắc vào; Thí là cho, vậy Xả Thí tức là buông cái của mình có ra để cho tha nhân (một người, hay nhiều người) thì đều dùng được với xả thí.  Khi đi vào lãnh vực xả thí thì phải khôn khéo, vậy khôn khéo như thế nào ?  Đức Phật dạy vật thí không bằng cách thí, tức là tài vật mà chúng ta cho ra không cao quý bằng cách thức chúng ta đem cho.  Cho với cách thức ném, quăng, liệng, bỏ, hoặc cho những vật cũ, hư, không dùng được mới đem cho, như vậy là không khôn khéo, và chưa được gọi là Thiện. Thiện là phải khôn khéo !  Dân gian có câu ‘Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’.  Có những lời nói thật, nói đúng, có giá trị, thế nhưng đang ở thời điểm chưa đúng thời, đúng lúc để mà nói những lời ấy, và khi nói ra làm cho người nghe buồn phiền, không có hữu dụng, như vậy chưa khôn khéo.  Cũng vậy Thuyết Pháp Phúc Thiện Sự là việc Thiện, thế nhưng phải cẩn thận để không rơi vào Ác Thuyết, như khi chúng ta nói để một người làm việc xả thí, nhưng người này lại không chịu xả thí, mà chỉ muốn nắm giữ cho họ, và như vậy làm cho người ấy khó chịu không hoan hỷ, thì như vậy coi chừng bị rơi vào Ác Thuyết.

Đức Phật dạy Pháp Xả Thí, cho ra là để diệt lòng bỏn xẻn, dính mắc, chấp giữ, vậy mỗi lần xả thí thì chúng ta phải khôn khéo tác ý diệt lòng bỏn xẻn, chấp giữ, keo kiệt này, chứ không phải vì thương thích, hoặc hoan hỷ mà chúng ta xả thí.  Nếu vì thương thích, duyệt ý mà xả thí thì đó là chưa khôn khéo, chưa có Thiện.  Chúng ta học Pháp và tu tập thì phải có tác ý và Trí Tuệ mới khôn khéo làm Thiện, nếu không thì chỉ làm theo thói quen, tập khí, làm theo truyền thống, xưa bày nay làm, làm mà không có sự hiểu biết đúng sai, làm không đúng cách thì không có kết quả tốt đẹp được.  Thiện là phải khôn khéo !

  1. Ý Nghĩa Mạnh Khỏe Của Thiện

Khi chúng ta làm một việc Thiện, không có hồi hợp, lo sợ, hoặc giựt mình.  Người ăn trộm mới hồi hợp, lo sợ, giựt mình, còn chúng ta đem cho ra của cải tài vật của mình với sự vui vẻ, khôn khéo thì phải mạnh khỏe.  Những Phật Tử đến chùa dâng cúng Tứ Vật Dụng đến Chư Tăng thì họ tác bạch rằng những vật thực này họ dâng cúng hợp theo lẽ Đạo, được cũng hợp theo lẽ Đạo, có nghĩa những vật thực họ dâng cúng là do công sức làm ra, không phải do họ đi trộm cắp đem về để dâng cúng.  Làm việc Thiện thì Thân Tâm ta vui vẻ, khỏe mạnh.

  1. Ý Nghĩa Tốt Đẹp Của Thiện

Khi chúng ta làm việc Thiện là làm việc tốt cho mình, tốt cho tha nhân, tốt cho Đời, tốt cho Đạo, và không làm điều chi xấu xa tội lỗi.  Khi chúng ta làm việc Thiện với Tâm Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, thì hành động của chúng ta là Ý tốt, Ngữ tốt, và Thân tốt.

  1. Ý Nghĩa Lợi Ích Của Thiện

Ý nghĩa lợi ích của Thiện có nghĩa khi chúng ta làm việc Thiện, thực hiện Phúc Nghiệp Sự là chúng đang làm lợi ích cho mình, lợi ích cho tha nhân, lợi ích cho xã hội, lợi ích cho mọi nơi, và như vậy là đem lại cho ta điều lợi ích.

  1. Ý Nghĩa Cho Quả An Vui Của Thiện

Làm việc Thiện thì cho Quả an vui trong đời này và đời sau, cả hai đời đều được an vui.  Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật nói “người làm việc Thiện an vui đời này, an vui đời sau, nghĩ đến việc Thiện an vui hai đời”.

Khi chúng ta đi vào lãnh vực của Phát Thú thì Pháp đầu tiên mà chúng ta được học là Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện, do vậy điều đầu tiên là phải nắm vững chắc năm ý nghĩa của Pháp Thiện là khôn khéo, mạnh khỏe, tốt đẹp, lợi ích, Quả an vui.  Năm điều này trái ngược với ý nghĩa của Pháp Bất Thiện là vụng về, bệnh hoạn, xấu xa, vô ích, Quả khổ đau.  Người có Pháp Bất Thiện là có Tham, Sân, Si thì suy nghĩ, nói năng, hoặc hành động đều có tính chất vụng về, sợ sệt, bất bình tỉnh, không tự nhiên, có sự lén lút.  Khi một người có Tâm Sân (Bất Thiện) thì tâm họ bệnh hoạn, khi có Tâm Tham (Bất Thiện) thì tâm họ bệnh hoạn, và làm những chuyện không trong sạch.  Bất Thiện là do Tham, Sân, Si che lấp làm cho mê mờ, thì làm sao thân tâm có khôn khéo, mạnh khỏe, tốt đẹp, lợi ích, và an vui được.  Bất Thiện thì cho Quả khổ đau cho thời hiện tại và vị lai.

Ví dụ chúng ta có ý nghĩ suy điều Bất Thiện, nói lời Bất Thiện, hoặc Thân hành động Bất Thiện thì có Quả khổ đau trước tiên là lương tâm bị cắn rứt, bị dằn vặt, rồi quả báo kéo dài hết ngày này đến ngày khác, cho đến ngày lâm chung thì dẫn dắt chúng ta đi Khổ Thú, bị khổ đau trong Tứ Ác Đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Atula.

Khi Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện đó là: 1. Pháp khôn khéo làm duyên Pháp khôn khéo; 2. Pháp mạnh khỏe làm duyên Pháp mạnh khỏe; 3. Pháp tốt đẹp làm duyên Pháp tốt đẹp; 4. Pháp lợi ích làm duyên Pháp lợi ích; 5. Pháp Quả an vui làm duyên Pháp Quả an vui.

Thiện có ba Nhân Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, trái ngược với Bất Thiện là Tham, Sân, Si.  Học Phát Thú có điều lợi ích cho chúng ta là khi trong Ta có những điều Thiện thì Ta biết, hoặc có những điều Bất Thiện thì Ta biết.  Chúng ta tự kiểm nghiệm những yếu tố Thiện hoặc Bất Thiện trong Ta thì Ta mới tu tập được, và tu tập làm cho Pháp Thiện sinh khởi và phát triển, làm lụi dần Pháp Bất Thiện.  Trong Tạng Kinh, khi nói đến người già hoặc sự già nua thì Tạng Kinh chỉ nói một cách chung chung, không có chi tiết, thế nhưng trong Vô Tỷ Pháp thì trình bày rất rõ ràng cụ thể chín thể loại của già nua (Lão Mại), mà những Pháp đó hiển hiện ra ngoài, hoặc ẩn tàng ở bên trong mà chúng ta không thấy được.  Thêm nữa trong Kinh Tạng, khi nói đến người già hoặc sự già nua thì chỉ nói là già, thế nhưng Vô Tỷ Pháp nói đến già nua đó là sự Vô Thường, là Khổ Đau, là Vô Ngã, và đó là bất di bất dịch.

Trong Pháp Hành, khi chúng ta hít thở, hoặc đi đứng nằm ngồi trong bốn oai nghi, với mãnh lực nào làm chúng ta ngồi xuống, mãnh lực nào làm chúng ta đứng lên, mãnh lực nào làm chúng ta hít vào và mãnh lực nào làm chúng ta thở ra.  Tất cả đều có những mãnh lực Duyên của nó, chứ không phải ngẫu nhiên.  Khi chúng ta học hiểu được điều đó, chúng ta mới thấy được sự thật, lý giải được thì chúng ta không còn thắc mắc, và không còn tà kiến, hoặc chấp lầm trong Vô Minh.  Vô Tỷ Pháp Phát Thú giải đáp những chi ở trong Ta, những chi ở ngoài Ta, và những chi Ta mong muốn thành đạt, mà những vấn đề này không được trình bày trong Kinh Tạng.  Khi nói đến những chi ở trong Ta, là nói đến các Danh Pháp Tham, Sân, Si, và Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, vì chúng ta vẫn còn Tham, Sân, Si và Vô Tham, Vô Sân, và Vô Si, làm mãnh lực Nhân Duyên.