Patthana 009

Vậy Nhân Duyên giải thích những chi ở trong Ta ?  Trong Ta có hai thành phần là Danh Pháp và Sắc Pháp, hoặc tinh thần và vật chất, được tạo nên do bởi Nghiệp Lực Duyên.  Nghiệp Lực Duyên có hai là Câu Sinh Nghiệp Duyên và Dị Thời Nghiệp Duyên.  Câu Sinh Nghiệp Duyên, hay nghiệp mà đồng cùng sinh với chúng ta do những tạo tác qua Thân, Ngữ, Ý trong cuộc sống hàng ngày.  Dị Thời Nghiệp Duyên là Nghiệp mà chúng ta đã tạo trong thời quá khứ, bây giờ chín muồi và đầy đủ năng lực nên trổ sinh quả.  Khi nói đến Tâm Danh Pháp thì nên biết Tứ Nhân Sinh Tâm, đó là Nghiệp Quá Khứ, Tâm Sở, Cảnh, và Căn.  Kinh Tạng thì chỉ có trình bày về Nghiệp, Biệt Nghiệp, Tổng Nghiệp, Tiểu Nghiệp.  Thế nhưng Phát Thú thì mỗi Tam Đề đều có Nghiệp Lực Duyên.  Nghiệp trong quá khứ, Nghiệp tạo tác hiện tại.  Trong Phát Thú nói đến Nghiệp Duyên, Nhân Duyên (Nhân Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, hay Nhân Tham, Sân, Si) là những điều mà chúng ta cần phải biết vì nó sẽ hỗ trợ cho chúng ta trong Pháp Hành tu tập.

Khi nói đến những gì ở ngoài Ta thì Cảnh Duyên sẽ giải thích điều này.  Với Cảnh thì có Cảnh Ngoại Phần là Cảnh Sắc, Cảnh Thinh, Cảnh Khí, Cảnh Vị, Cảnh Xúc, hoặc Cảnh Nội Phần, hoặc Cảnh Hiệp Thế - Cảnh Siêu Thế, v.v.

Khi nói đến những chi chúng ta mong muốn thành đạt thì Trưởng Duyên sẽ giải thích điều này.  Trưởng Duyên có Cảnh Trưởng Duyên và Câu Sinh Trưởng Duyên,  Cảnh Trưởng Duyên như là Đức Phật và Chư Thánh Nhân là Cảnh Trưởng làm duyên cho tâm thức chúng ta thu thúc và tu tập đến những chi ta muốn đạt thành.  Câu Sinh Trưởng Duyên là Dục Trưởng, Cần Trưởng, Tâm Trưởng, Thẩm Trưởng, những yếu tố nội Tâm và những điều này không đề cập trong Tạng Kinh, nhưng được trình bày rõ ràng trong Vô Tỷ Pháp Phát Thú.

Khi tu tập với Giáo Pháp Đức Phật thì chúng ta muốn đạt đến những chi ?

Đó là đạt đến sự giải thoát khổ đau mãnh lực Nghiệp đã tạo tác trong quá khứ, xong rồi thì mới nói đến giải thoát sinh tử luân hồi.  Trước tiên chúng ta làm sao vượt qua khổ đau của Nghiệp Lực.  Vì Vô Minh, vì không được gặp Phật Pháp chúng ta đã tạo tác không ngừng Nghiệp Lực qua Thân Hành, Ngữ Hành, và Ý Hành.  Bây giờ có học Phật Pháp và chiêm nghiệm lại thì giựt mình vì không nhớ, không biết là đã tạo tác bao nhiêu Nghiệp.  Và như vậy có những nỗi lo âu khổ đau trong Tâm Ý về Quả sẽ trổ sinh do những Nghiệp đã tạo tác, chưa nói đến những Quả không an vui do Nghiệp Bất Thiện đã tác hành.  Những Pháp trong Phát Thú mà chúng ta học và tu tập trong Tạng Vô Tỷ Pháp là những Pháp mà Đức Phật đã tầm cầu, tu tập trong thời Ngài còn là Bậc Giác Hữu Tình, không phải là những Pháp mà Ngài dùng để khuyến nhủ, dạy bảo cho những nhân vật cụ thể ở trong Kinh Tạng.  Những Pháp mà Ngài đã tu tập cho chính mình là Pháp Thiện, Pháp Bất Thiện, Pháp Vô Ký, Pháp Quả (Pháp Sở Duyên), và Pháp Nhân (Pháp Năng Duyên).  Cũng như vậy khi ở một mình hoặc khi tu tập thì chúng ta không có Pháp của những nhân vật trong Kinh, như của Ông Cấp Cô Độc, Bà Visakhā, Trưởng Lão Ānanda, Trưởng Lão Sariputta, hoặc Trưởng Lão Moggallāna, v.v., mà chỉ có Nhân Duyên, Cảnh Duyên, Pháp Thiện, Pháp Bất Thiện, Pháp Quả, Pháp Duy Tác v.v., mà chúng ta đang câu sinh với những Pháp ấy, và chúng ta phải hiểu biết về những Pháp này.  Và đây cũng là những Pháp mà Đức Phật đã đi tìm kiếm mới có, mới thành đạt chí nguyện của Ngài.