Patthana 010

Việc Thiện hay Thiện Sự, hoặc Pháp Thiện có ba, đó là Thập Thiện Nghiệp, Thập Phúc Hành Tông, và Thập Toàn Thiện (Ba La Mật), và để thực hiện những Pháp Thiện này trong cuộc sống hằng ngày thì phải thực hiện với Phát Thú, với mãnh lực của Duyên.

 

  1. THẬP THIỆN NGHIỆP

 

Thập Thiện Nghiệp tác hành qua ba Thân hành Thiện, bốn Lời hành Thiện, và ba Ý hành Thiện.  Ba Thân hành Thiện là không sát sinh, không thâu đạo, không tà hạnh tính dục; bốn Ngữ hành Thiện là không vọng ngữ, không thô ác ngữ, không ly gián ngữ, không hồ ngôn loạn ngữ; và ba Ý hành Thiện là Ý không kham, Ý không sân, Ý không tà kiến.  Thập Thiện Nghiệp tác hành với mãnh lực Nhân Duyên, với Nhân Vô Tham, Vô Sân, Vô Si.  Khi thực hành Thập Thiện Nghiệp phải dùng mãnh lực Nhân Duyên (Vô Tham, Vô Sân, Vô Si) phối hợp với Thiện Sự ấy mới được thành tựu, nếu không biết vận dụng Nhân Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, chúng ta khó thực hiện được những Thiện Nghiệp này.  Thập Thiện Nghiệp Lực có Ý Thiện, Thân Thiện, Ngữ Thiện.  Vậy trong ba điều Pháp Thiện này thì chúng ta có được điều nào, điều nào nhiều hơn, và điều nào ít hơn trong Ý, Thân, hoặc Ngữ ?

Có người chỉ có Ý Thiện, là có Ý tốt nhưng không có Thân hành Thiện.  Có người có Ý Thiện và Thân hành Thiện, và có người có cả ba là Ý Thiện, Ngữ hành Thiện, Thân hành Thiện.  Thập Thiện là Thân, Lời, Ý phải phối hợp với Nhân Duyên Vô Tham, Vô Sân, Vô Si.  Và điều cần ghi nhớ là Thiện phải có năm ý nghĩa của Thiện đã được trình bày ở phần trên là khôn khéo, mạnh khỏe, tốt đẹp, lợi ích, và cho Quả an vui.

 

  1. THẬP PHÚC HÀNH TÔNG

 

Thập Phúc Hành Tông hoặc Thập Phúc Nghiệp Sự là mười tông chỉ, hoặc mười điều thực hành để có được Phước Báu.  Việc Thiện là Nhân, và Phước Báu là Quả.  Vậy Thập Thiện trong Phúc Hành Tông là Nhân, và Quả là Phước Báu.  Phước  Báu có hai thể loại mà Phật Tử cần biết đó là Phước Hữu Lậu và Phước Vô Lậu.  Phước Hữu Lậu là loại Phước Báu cho sinh ở trong đời, và Phước Vô Lậu là cho sự giải thoát, không còn sinh tử.  Quả thì có Quả Phala (Quả trổ liền) hay Quả Vipāka (Dị Thục Quả).  Thập Phúc Hành Tông đó là:

  1. Xả Thí: Là Tài Thí, Pháp Thí và Vô Úy Thí là những Nhân sinh Phước Báu.
  2. Trì Giới: Qua Thân, Ngữ, Ý và là Nhân sinh Phước Báu.
  3. Tu Tập: Thân tu tập, Ngữ tu tập, Ý tu tập và Nhân sinh Phước Báu.
  4. Cung Kính: Là Pháp diệt ngã mạn, cái Tôi / Ta. Cung kính Đức Phật, Ông Bà Cha Mẹ, bậc Cao Niên Trưởng Lão, Thầy Tổ, Bậc có Giới Đức, và những người lo cho nước, lo cho dân (Vua, Quan ngày xưa); và là Nhân sinh ra Phước Báu.
  5. Phụng Hành: Vâng lời dạy Đức Phật và thực hành Pháp Học, Pháp Hành, là Nhân sinh ra Phước Báu.
  6. Thuyết Pháp: Không phải lên Pháp Tòa thuyết giảng mới là thuyết Pháp, mà khi chỉ dẫn cho người một câu nói như ‘Đời là Vô Thường’, hay thời gian trôi qua nhanh quá, mọi vật đều thay đổi, hay là sinh rồi diệt, hay sinh diệt không ngừng, v.v., là Thuyết Pháp. Thuyết Pháp làm sao cho người ta giác ngộ, tỉnh thức không lầm mê, là thuyết Pháp. Những người trong gia đình cũng thuyết Pháp được, tức là Cha Mẹ dạy bảo con cháu, chồng vợ bảo nhau những lời chân thật, chỉ cho nhau những lời dạy Đức Phật, vậy là đã thuyết Pháp.  Cho một lời khuyên ‘vào cổng chùa dạy lòng tìm chân lý, ra cổng chùa bảo dạ ráng tu hành’ cũng là thuyết Pháp rồi.  Thêm nữa, không phải người xuất gia mới thuyết Pháp, mà người tại gia cư sĩ cũng nhắc nhở nhau tu tập, như vậy cũng là thuyết Pháp.  Thuyết Pháp đúng nghĩa phải có bảy chi, và không đơn giản.  Những chi chúng ta nói hoặc chia sẻ với tha nhân mà không theo Kinh Tạng, không có xuất xứ, hoặc duyên khởi thì phải cẩn thận, không khéo rơi vào “mục nhân mô tượng” (người mù sờ voi), tức là chỉ có một phần mà không đầy đủ trọn vẹn làm cho người nghe dễ hiểu lầm.  Vậy khi nói phải căn cứ vào kinh sách, và không biết lại Từ Bi chia sẻ cho người, thì nghiệp mình phải mang, và như vậy tội nghiệp cho mình.
  7. Thính Pháp: Trưởng Lão Sāriputta là Bậc thính Pháp nhiều nhất. Bất luận các Sa Di nhỏ tuổi thuyết Pháp cho nhau nghe, Trưởng Lão Sāriputta cũng đến để thính Pháp, nhưng không đến gần. Và Trưởng Lão không tự cho là Bậc Chí Thượng Thinh Văn của Đức Phật mà không nghe Pháp của ai.
  8. Tùy Hỷ Công Đức: Có người làm việc Thiện thì chúng ta hoan hỷ với họ. Ai đến chùa làm việc Thiện như quét lá, rửa chén, lau chùi, thì mình tùy hỷ (Anumodanā) với họ, đó là Tùy Hỷ Công Đức.  Khi mình nói Anumodanā với họ, họ nói lại Sādhu, Lành Thay ! Như vậy cả hai đều được Phước Báu như nhau.  Tùy hỷ việc Thiện của người là diệt lòng đố kỵ ở nội tâm và mình cũng có được Phước Báu.
  9. Hồi Hướng: Là Phước Báu do mình làm việc Thiện, hoặc do Tùy Hỷ Công Đức với việc Thiện của người mà hồi hướng đến Chư Thiên, Ông Bà Cha Mẹ, thân bằng quyến thuộc, chúng sinh trong ba giới bốn loài. Hồi hướng là nói chung, nhưng khi cho Phước Báu đến những người còn đang tại tiền thì là Chia Phước, và hồi hướng là cho người đã quá vãng.
  10. Chân Tri Chước Kiến: Là biết thật thấy đúng. Chúng ta không có bắt buộc phải đến chùa để xả thí, mà chúng ta đến chùa để thực hiện Trì Giới, Tu Tập, Thính Pháp, Thuyết Pháp, Tùy Hỷ Công Đức, Hồi Hướng, v.v., như vậy nếu không có điều kiện xả thí tài vật thì chúng ta tu tập các Pháp trong Thập Phúc Hành Tông.

Thập Phúc Hành Tông được thực hiện là do Ý Thiện Nghiệp trong Thập Thiện Nghiệp.  Ý Thiện Nghiệp có ba, là Ý Vô Tham, Ý Vô Sân, Ý không Tà Kiến.  Thực hiện Xả Thí Phúc Hành Tông là do Ý Vô Tham, ý biết buông bỏ, không dính mắc, chấp giữ.  Ý Thiện Nghiệp Vô Tham, Vô Sân, Vô Tà Kiến, thì Thân này hành động Xả Thí, Thân hành động Trì Giới Phúc Hành Tông, và Ngữ nói lời Xả Thí, Trì Giới.  Thân hành Xả Thí là thực hiện việc xả thí tài vật hoặc Tài Thí; Ngữ hành xả thí là cho lời dạy của Đức Phật hoặc Pháp Thí, cũng được xem là Thuyết Pháp, và cũng thuộc Pháp Thí.  Vô Úy Thí là cho tha nhân sự không sợ hãi, và điều này được thực hiện qua Thân hành, Ngữ hành, hoặc cả hai.

Khi thực hiện Thập Phúc Hành Tông với mãnh lực Cảnh Duyên, phải nên để ý khi tiếp xúc với Cảnh, là Cảnh Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc, chúng ta cần nên xem xét đó là Cảnh Thiện, Cảnh Bất Thiện, Cảnh Hiệp Thế đưa đến luân hồi, hoặc Cảnh Siêu Thế.  Cảnh Duyên không trình bày trong Tạng Kinh, và chỉ được nói đến trong Vô Tỷ Pháp Tạng ở Bộ Phát Thú.

 

  1. THẬP TOÀN THIỆN (BA LA MẬT)

 

Thập Toàn Thiện (Thập Ba La Mật) là Pháp đưa đến giải thoát sinh tử luân hồi.  Thập Toàn Thiện là: 1. Xả Thí, 2. Trì Giới, 3. Ly Dục, 4. Trí Tuệ, 5. Tinh Tấn, 6.) Nhẫn Nại, 7. Chân Thật, 8. Chú Nguyện, 9. Từ Ái, và 10. Hành Xả.

Cũng từ nơi Ý Thiện Nghiệp Lực Vô Tham, Vô Sân, và Vô Tà Kiến mà thực hiện Pháp Toàn Thiện, đưa đến Đạo, Quả, Níp Bàn.  Ba La Mật (Paramitta) có 10, 20, hoặc 30 được chia làm ba Bậc.  Bậc Giác Hữu Tình hạnh Thinh Văn Giác là những vị được giác ngộ do nghe hoặc học Pháp từ Bậc Chánh Đẳng Giác thì tu tập 10 Pháp Ba La Mật; Bậc Độc Giác là tự tu tập và tự chứng đắc không có Thầy chỉ dạy, và cũng không truyền thừa Giáo Pháp đã được chứng đắc, sự giáo truyền của Bậc Độc Giác chỉ qua Thân Giáo, và những Bậc này tu tập 20 Pháp Ba La Mật.  Bậc Chánh Đẳng Giác đã tu tập 30 Pháp Ba La Mật, và Giáo Pháp Bậc Chánh Đẳng Giác đã giáo đạo đến những Bậc tu hành chứng đắc hạnh Thinh Văn Giác, và được truyền thừa cho đến hết thời kỳ Giáo Pháp của Ngài.

Khi thực hiện Thập Ba La Mật là chúng ta làm Thiện Sự với mãnh lực của Trưởng Duyên, Câu Sinh Trưởng Duyên.  Khi thực hiện Pháp Toàn Thiện cần có Câu Sinh Trưởng Duyên (Dục Trưởng, Cần Trưởng, Tâm Trưởng, Thẩm Trưởng).  Trong tất cả các Pháp khi tiếp xúc với tha nhân thì phải tùy duyên, tức là vận dụng Câu Sinh Trưởng, Cảnh Trưởng và ứng dụng những mãnh lực Duyên này.

Ví dụ: Với một người khổ đau, cần sự giúp đỡ, thì chúng ta phải nỗ lực với Chú Nguyện Ba La Mật, Nhẫn Nại Ba La Mật, Từ Ái Ba La Mật, và Chân Thật Ba La Mật để giúp người khổ đau này.  Thế nhưng điều trước tiên là phải có nền tảng Trí Tuệ Ba La Mật đưa đến Thẩm Trưởng, rồi Tâm Trưởng, mới đến Cần Trưởng, và rồi Dục Trưởng.  Trên nền tảng Trí Tuệ nhhư vậy chúng ta mới có Chú Nguyện Ba La Mật, Nhẫn Nại Ba La Mật, và Tinh Tấn Ba La Mật mà chúng ta đã chú nguyện giúp đỡ người khổ đau này.  Khi kết hợp Cảnh Trưởng và Câu Sinh Trưởng với Trí Tuệ Ba La Mật thì có Thẩm Trưởng (Trí), rồi mới tinh tấn được, và khi tinh tấn thì có Cần Trưởng.  Khi chúng ta thực hiện những Ba La Mật này với Cảnh Trưởng, thì không có cái Tôi / Ta hiện hữu.  Cần ghi nhớ rằng trong lãnh vực Paṭṭhāna, Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện thì chúng ta phải hiểu rõ về Thiện, và năm ý nghĩa của Thiện là khôn khéo, mạnh khỏe, tốt đẹp, lợi ích, cho Quả an vui.