Patthana 011

PHÁP THIỆN LÀM DUYÊN PHÁP THIỆN (PHÁP THIỆN XẢ THÍ)

 

Xả Thí có hai là Xả Thí Phúc Hành Tông và Xả Thí Ba La Mật.  Khi xả thí thì tạo Ý Thiện Nghiệp Lực với Ý không Tham, hoặc Ý không Sân, hoặc Ý không Tà Kiến, hoặc là có cả ba Vô Tham, Vô Sân, Vô Tà Kiến.  Xả Thí Phúc Hành Tông tạo Phước Báu và được Quả an vui là Nhân Thiên, nhưng nếu tác ý khôn khéo Xả Thí Ba La Mật trong Thập Toàn Thiện, thì cho Quả Giải Thoát.   Đối với Xả Thí Phúc Hành Tông thì việc xả thí không có lấy chúng sinh làm đối tượng, thế nhưng đối với Xả Thí Ba La Mật thì phải lấy chúng sinh làm đối tượng cho việc Xả Thí.  Như vậy khi chúng ta xả thí cho ai, để làm đối tượng cho mình hành Ba La Mật, cũng không chắc gì có được đối tượng để thực hiện thì nghĩ tới chính tự mình làm thành đối tượng.  Điều này là như thế nào ?  Khi tu tập Pháp Minh Sát Tuệ (Vipassanā) mà có tê nhức mỏi đau, các Thiền Sư khuyên chúng ta nên thực hành Xả Thí Ba La Mật.  Như thế nào là Xả Thí Ba La Mật ở đây, tức là phải xả ly Tham Ái, và lúc bấy giờ chúng ta sống trong Pháp, buông bỏ Ý Tư Niệm Thực Ái Dục, Tham Ái của chính mình, như vậy chúng ta mượn chính bản thân để thực hành Xả Thí Ba La Mật.  Do vậy khi nói hành Xả Thí Ba La Mật cho chính mình, tức là khi tu tập có tê nhức mỏi đau thì lúc đó chúng ta phải sống trong Pháp, và điều trước tiên là xả ly cái Ý Tư Niệm của mình, điều mà từ trước tới giờ đã chấp giữ, nhưng bây giờ có Tác Ý buông bỏ.  Kế đến là chúng ta xả ly Thân của mình vì từ trước tới giờ mình ôm ấp nó, bây giờ buông bỏ nó ra.  Trong Phát Thú Thiện có thực tính của nó, đó là năm ý nghĩa của Thiện: khôn khéo, mạnh khỏe, tốt đẹp, lợi ích, và cho Quả an vui.  Một người sống trọn vẹn trong Pháp với năm ý nghĩa này đầy đủ trong việc Xả Thí (xả ly Ý, Thân) thì thấy được Tam Thực Tướng là Vô Thường, Khổ Đau, Vô Ngã, vì Pháp luôn thay đổi không đứng yên.  Thức tỉnh từ Thực Tính tri đắc Thực Tướng dẫn đến sự giác ngộ.

Chỉ với mãnh lực Nhân Duyên thì chưa đủ để thực hiện Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện, mà phải được Câu Sinh, Câu Sinh Y, Câu Sinh Hiện Hữu, và Câu Sinh Bất Ly với Pháp Thiện.  Sống trong Pháp Thiện tức là chúng ta phải câu sinh với Pháp Thiện.

. Câu Sinh: Có nghĩa là đồng sinh với Pháp Thiện, đồng sinh Ý Tư Thiện của chính mình với Tam Tư thích hợp trong Pháp Thiện Xả Thí.  Điều này có nghĩa là cả Tam Tư Ý Tư Thiện Nghiệp đồng sinh với Pháp Thiện Xả Thí, và như vậy là Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện Xả Thí do bởi Câu Sinh Duyên.

. Câu Sinh Y: Khi thực hiện việc Xả Thí thì phải Câu Sinh Y với Pháp Thiện Xả Thí.  Y là nương nhờ, nương đỗ.  Vậy khi thực hiện Pháp Thiện này thì cả Tam Tư Ý Tư Thiện Nghiệp phải luôn nương vào việc Xả Thí này, rồi đi đến thực hiện, và lúc bấy giờ là Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện Xả Thí do bởi Câu Sinh Y Duyên.

. Câu Sinh Hiện Hữu / Câu Sinh Bất Ly: Có Câu Sinh và Câu Sinh Y rồi tiếp theo là Câu Sinh Hiện Hữu / Câu Sinh Bất Ly, tức là Ý Tư Thiện của chúng ta không bị phóng dật, không để Tâm vào chỗ khác, mà phải tập trung Tâm Ý vào việc Xả Thí này.  Như vậy là Câu Sinh Hiện Hữu hoặc đồng cùng hiện hữu với Pháp Thiện Xả Thí, và đó là Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện do bởi Câu Sinh Hiện Hữu Duyên / Câu Sinh Bất Ly Duyên.  Như vậy là Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện Xả Thí cần có những mãnh lực của Nhân Duyên, Câu Sinh Duyên, Câu Sinh Y Duyên, Câu Sinh Hiện Hữu Duyên / Câu Sinh Bất Ly Duyên hỗ trợ.

Do vậy Pháp Thiện làm duyên Pháp Thiện Xả Thí từ nơi Ý Tư Nghiệp Vô Tham đi đến Xả Thí Phúc Hành Tông phải luôn có Niệm Vô Tham để chúng ta Xả Thí; rồi phải có Tứ Chánh Cần trong Xả Thí, vì thiếu Tứ Chánh Cần thì việc Xả Thí có thể không được thành tựu vì sẽ có sự rụt rè do dự, lưỡng lự xen vào.  Tứ Chánh Cần là sự đấu tranh với giặc nội tâm của chính chúng ta.

Ví dụ dẫn chứng với tích truyện:  “Vào thời Đức Phật có hai vợ chồng nghèo chỉ có một chiếc áo che thân, và hai người phải luân phiên nhau mặc chiếc áo ấy để đi nghe Giáo Pháp Đức Phật.  Vào một ngày khi người chồng đã mặc áo và đi nghe Giáo Pháp Đức Phật, trong buổi thuyết giảng ấy Đức Phật nói đến Pháp Thiện Xả Thí, Trì Giới v.v.  Người chồng nghe Pháp Xả Thí thì rất hoan hỷ muốn cúng dường đến Đức Phật, nhưng ông không có gì ngoài chiếc áo che thân mà ông đang mặc, cho nên ông có sự giằng co trong lòng, và suy nghĩ rằng nếu cúng dường rồi thì ông không có áo để mặc đi nghe Pháp, và vợ ông cũng không có áo để mặc đi nghe Pháp.  Ông giằng co mãi trong lòng giữa ‘cho’, ‘không cho’, ‘cho’ hay ‘không cho’, nếu cho thì không thương cho người vợ không có áo mặc để đi nghe Pháp.  Giằng co như vậy đã qua hai canh thời gian, đến canh thứ ba thì ông chiến thắng Ý Bất Thiện (là sự giằng co) và quyết định cúng dường chiếc áo đến cho Đức Phật.  Ông đem áo cúng dường đến Đức Phật và hô lớn rằng “Ta đã chiến thắng, Ta đã chiến thắng”.  Đức Vua Pasenadi hôm ấy cũng ở trong hội chúng thính Pháp, liền bảo người hầu đến xem ông ấy chiến thắng việc chi, vì sao ông ấy lại hô to ‘Ta đã chiến thắng’.  Khi người hầu đến hỏi ông thì ông trả lời ‘Ta đã chiến thắng giặc lòng của Ta’, Ta đã đấu tranh suốt ba canh và cuối cùng đã chiến thắng, và thực hành được việc xả thí này.  Nghe xong Vua Pasenadi bảo rằng hãy chia Quả Phước này cho Vua, và Vua đã ban thưởng cho ông 32 chiếc áo.”

Áp dụng Tứ Chánh Cần để đấu tranh giữa sự buông hoặc giữ trong việc xả thí.  Nếu nói xả thí là được Phước Báu thì Phước Báu này là do Tác Ý Thiện với Nhân Vô Tham trong mãnh lực Nhân Duyên, và nếu không như vậy thì chúng ta chỉ làm như một đứa bé được dạy bảo đi đến để bát cho vị Sư mà không biết Tác Ý Thiện, và như vậy việc xả thí mà đứa bé thực hiện một cách máy móc kia không có Tác Ý Vô Tham trong việc Thiện Xả Thí.  Tương tự với Trì Giới, chúng ta phát nguyện Ngũ Giới, Bát Giới, Thập Giới, hay Tỳ Khưu Giới mà không có Tác Ý Thiện với mãnh lực Nhân Duyên, với Nhân Vô Tham, Vô Sân, Vô Si thì chúng ta chỉ nguyện thọ giới một cách máy móc thôi.  Khi chúng ta làm việc Thiện với đầy đủ Tam Tư Ý Tư Thiện thì được Quả Phước Báu to lớn.

Khi tu tập Thập Phúc Hành Tông với Xả Thí, Trì Giới, Tu Tập, hoặc Cung Kính v.v., thì có bao nhiêu mãnh lực Duyên và những yếu tố nào cấu thành cho được thành tựu những việc ấy ?  Thêm nữa nếu có những Pháp Nghịch cản ngăn con đường tu tập thì chúng ta cần phải làm thế nào ?  Khi tu tập luôn có ba lực hiện hữu, là Lực Đẩy, Lực Cản, và Lực Trì Kéo, và nhớ rằng chỉ có một Lực Đẩy và có tới hai Lực Cản và Lực Trì Kéo.  Điều này có nghĩa khi chúng ta muốn thực hiện một việc Thiện, thế nhưng có những Nghiệp Quả Dị Thục đến ngăn cản, và những giặc lòng trì kéo.  Ví dụ xả thí là việc Thiện, nhưng trong quá khứ chúng không hề biết xả thí, cho nên bây giờ làm việc xả thí thì chúng ta do dự, và đó là Nghiệp quá khứ cản ngăn.  Rồi nếu như không biết 37 Pháp Đẳng Giác Phần thì chúng ta làm việc Thiện như thế nào, khi xả thí là phải có Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc hay không ?  Hoặc khi tu tập hành thiền chúng ta phải có Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc hay không ? hoặc chỉ là ngồi thiền một cách máy móc, theo thói quen, hoặc thấy người khác làm rồi mình làm theo.

Xả thí hiện bày với nhiều cách: xả thí với Vô Tham, xả thí với Vô Sân, xả thí với Vô Si, xả thí với Vô Tham và Vô Sân, xả thí với Vô Tham và Vô Si, xả thí với Vô Sân và Vô Si hoặc xả thí với cả Vô Tham, Vô Sân, Vô Si.  Nên nghĩ suy thâm khắc thêm về những cách thức xả thí này, như xả thí với Vô Tham là chỉ cho suông, để dứt lòng bỏn xẻn.  Xả thí với Vô Sân là cho với lòng Từ Ái.  Xả Thí với Vô Si là cho ra với Trí Tuệ, tri đắc việc xả thí đúng Chánh Pháp, tri đắc Tác Nhân và Hệ Quả của việc xả thí.

Trong Phát Thú trình bày đến Tác Nhân và Hệ Quả, với Pháp Năng Duyên (Tác Nhân), Pháp Sở Duyên (Hệ Quả), và Địch Duyên là ngoài Hệ Quả, đủ duyên sẽ trở thành Năng Duyên.  Như vậy với Nhân Duyên là Nhân Vô Tham, Nhân Vô Sân, Nhân Vô Si phối hợp với 37 Tâm Thiện và 38 Tâm Sở.  Nhân Vô Si phối hợp với 33 Tâm Hữu Trưởng (Tâm Tương Ưng Trí), trừ bốn Tâm Bất Tương Ưng Trí.  Do vậy khi hành thiền hay xả thí mà không có Nhân Vô Si (Trí Tuệ) thì mất đi những Tâm Đại Thiện Tương Ưng Trí, hoặc Tâm Hữu Trưởng.  Người không có những Tâm Đại Thiện Tương Ưng Trí gọi là Người Nhị Nhân, chỉ có hai Nhân là Nhân Vô Tham, Vô Sân và không có Nhân Vô Si.  Với Người Tam Nhân là người có ba Nhân là Vô Tham, Vô Sân, và Vô Si.  Khi thực hiện Phúc Hành Tông, hoặc xả thí hoặc tu tập hành thiền thì nên biết là làm việc Thiện với ba Nhân, phối hợp với 37 Pháp Đẳng Giác Phần, và với các mãnh lực Duyên Câu Sinh, Câu Sinh Y, Câu Sinh Hiện Hữu và Bất Ly, cho đến Đồ Đạo Duyên, v.v., như vậy thì việc Thiện được thực hành trọn vẹn đầy đủ.