Patthana 016
TÓM LƯỢC VÀ GHI NHỚ
Học Tam Đề Thiện Phát Thú, chúng ta thực tập nên sống trong Thiện vì khi ở trong Pháp Thiện thì sẽ thực hiện được hai điều lợi ích là cắt đứt Bất Thiện Pháp, và cắt đứt Quả Báo của Bất Thiện Pháp xen kẽ vào. Mãnh lực của việc Thiện sẽ cắt đứt Pháp Bất Thiện trong hiện tại và trong vị lai. Và khi học Vô Tỷ Pháp và Phát Thú nên biết những điều như sau:
. Khi học về các Lộ Trình, gồm Lộ Trình Danh Pháp và Lộ Trình Sắc Pháp, thì chúng ta học được Pháp về Vô Thường, vì tính chất thay đổi và hoại diệt của Danh Sắc.
. Khi học Phát Thú thì chúng ta học về Duyên Sinh Duyên Hệ, hoặc các Duyên và mãnh lực của Duyên, thì chúng ta học được Pháp Vô Ngã.
. Trong Kinh Tạng thì nói Pháp cố định ở ba thời là thời quá khứ, thời hiện tại, hoặc thời vị lai, nhưng học Phát Thú và Vô Tỷ Pháp thì học Pháp ở thời chuyển khởi (Pavattikāla luôn di chuyển, thay đổi và không đứng yên).
Pháp Chuyển Khởi
Bài Pháp đầu tiên Đức Phật đã khải thuyết sau khi đạt thành Bậc Chánh Đẳng Giác là Dhammacakkapavattanta Suttanta –Kinh Chuyển Pháp Luân đến cho năm anh em Aññakodañña. Tên gọi và những lý nghĩa thâm sâu của bài Kinh cho chúng ta những điều để chiêm nghiệm và tu tập như sau:
. Đây là bài Pháp đầu tiên Đức Phật khải thuyết, đánh dấu sự ra đời của Pháp Bảo, và đánh dấu sự ra đời của ba ngôi Tam Bảo: Phật Bảo (Đức Phật), Pháp Bảo (Pháp mà Đức Phật khải thuyết), và Tăng Bảo (5 anh em Aññakodañña).
. Bài Pháp đánh dấu một sự kiện quan trọng là bánh xe Pháp bắt đầu luân chuyển ở trong đời, làm lợi ích cho Nhân Thiên. 84,000 Chư Thiên và năm anh em Aññakodañña đã đắc chứng Sơ Đạo Sơ Quả sau khi lãnh hội bài Pháp này. Sơ Đạo, Sơ Quả là Bậc Thánh đầu tiên trong bốn tầng Thánh trong hàng Thinh Văn Đệ Tử Đức Phật, những vị mà đã diệt được, hoặc buông bỏ hết ba Hạ Tầng Kiết Sử là Hữu Thân Kiến, Hoài Nghi và Giới Cấm Thủ.
. Dhammacakka là Pháp luân chuyển, tức là Pháp luôn luân chuyển, không đứng yên. Sự luân chuyển này phải đi đôi với Thời Chuyển Khởi (Pavattanta, hay Pavatti). Ý nghĩa trọng yếu của Thời Chuyển Khởi là thường luân chuyển, không đứng yên, và không định vị theo thời chế định ở quá khứ, hiện tại, hay vị lai. Pháp Siêu Lý (Tâm, Tâm Sở, Sắc Pháp, Níp Bàn) được nói đến ở Thời Chuyển Khởi.
. Dhammacakkapavattanta Suttanta không chỉ đơn giản với tên bài Kinh Chuyển Pháp Luân, mà phải hiểu ý nghĩa trọng yếu là Pháp thường luân chuyển. Con đường Trung Dung, Bát Chánh Đạo thường luân chuyển, là một vòng tròn Pháp từ Chánh Kiến chuyển đến Chánh Định; từ Chánh Định chuyển đến Chánh Kiến, và lại đến Chánh Định, cứ như vậy xoay chuyển mãi. Vậy khi bước vào Trung Đạo với Bát Chánh Đạo (bánh xe Pháp), vốn thường luân chuyển, và người tu thường luân chuyển, tiến tới để đạt Níp Bàn và buông bỏ hết phiền não khổ đau của Nghiệp. Vậy mới gọi là Pavattanti và phải đi trong chuyển khởi, và nếu như ở trong quá khứ, rồi hiện tại, rồi vị lai thì không đi đến giải thoát được.
Kế tiếp Đức Phật khải thuyết Attanalakkhaṇa Suttanta –Kinh Vô Ngã Tướng, đến cho năm anh em Aññakodañña. Điểm trọng yếu thâm thúy ở bài Pháp này, theo Vô Tỷ Pháp và Phát Thú chúng ta đang học đây thì phải hiểu Pháp Chuyển Khởi của Ngũ Uẩn, qua đó chứng tri Thực Tính Thực Tướng của Ngũ Uẩn* thường luân chuyển không ngừng nghỉ và năm anh em Aññakodañña đã chứng tri Thực Tướng Vô Ngã của các Pháp và chứng đắc Quả Vị Vô Sinh (Arahatta) sau khi đã lãnh hội bài Pháp Vô Ngã Tướng. Bậc Vô Sinh tiệt diệt năm Thượng Tầng Kiết Sử, đó là Ái Sắc, Ái Vô Sắc; Ngã Mạn, Phóng Dật và Vô Minh.
[(* Ngũ Uẩn: Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, Thức Uẩn) hoặc Danh Pháp và Sắc Pháp].