Paticcasamuppada 006
Chú thích: Từ ngữ “Paṭiccasamuppāda” được dịch nghĩa là Liên Quan Tương Sinh, hoặc còn gọi là Pháp Tùy Thuộc Phát Sinh”, hoặc là “Thập Nhị Duyên Khởi.” Khi chiết tự ra thì có được hai từ ngữ, ấy là: Paṭicca + Samuppāda, Paṭicca dịch nghĩa là “do bởi, bởi vì, có liên quan”; Samuppāda dịch nghĩa là “nổi lên, mọc lên, khởi sinh, được sản sinh”. Tại đây lập ý nói đến mối liên quan giữa 12 Pháp được gọi là Năng Duyên (Paccaya) và Sở Duyên (Paccayuppanna).
Hệ thống giảng giải 12 Pháp liên quan với nhau từ ở nơi Liên Quan Tương Sinh được gọi tên là Phương Pháp Liên Quan Tương Sinh (Paṭiccasamuppādanayo) hoặc còn gọi là Định Luật Phát Sinh Tùy Thuộc.
Ở nơi đây, Vô Minh làm duyên cho Hành. Hành làm duyên cho Thức. Thức làm duyên cho Danh Sắc. Danh Sắc làm duyên cho Lục Xứ. Lục Xứ làm duyên cho Xúc. Xúc làm duyên cho Thọ. Thọ làm duyên cho Ái Dục. Ái Dục làm duyên cho Chấp Thủ. Chấp Thủ làm duyên cho Hữu. Hữu làm duyên cho Sinh. Sinh làm duyên cho Lão Mại, Tử Vong, Sầu Muộn, Bi Ai, Khổ Đau, Ưu Thọ, Não Hại khởi sinh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khối Khổ Uẩn.
Trong cả hai Phương Pháp đấy, thì sự hiện hành của Pháp Năng Duyên và Pháp Sở Duyên bởi theo Phương Pháp Liên Quan Tương Sinh có được như vầy:
Cả ba gồm Phúc Hành (Puññābhisaṅkhāra), Phi Phúc Hành (Apuññābhi saṅkhāra), Bất Động Hành (Aneñjābhisaṅkhāra) đây, hiện khởi lên bởi do nương vào Vô Minh, tức là sự bất liễu tri ở trong Tứ Đế, sự bất liễu tri ở trong Quá Khứ (Pubbanta), sự bất liễu tri ở trong Vị Lai (Aparanta), sự bất tri ở trong Quá Khứ và Vị Lai (Pubbantāparanta), sự bất liễu tri ở trong Liên Quan Tương Sinh; kết hợp cả tám điều làm thành Nhân.
Thức (Viññāṇa) tức là 32 Tâm Dị Thục Quả Hiệp Thế hiện khởi lên bởi do nương vào Tam Hành làm thành Nhân.
Danh Sắc (Nāmarūpa) tức là Tâm Sở phối hợp với Tâm Dị Thục Quả Hiệp Thế và Sắc Nghiệp hiện khởi lên bởi do nương vào Thức đó là Thức Thiện Nghiệp (Kusalakammaviññāṇa), Thức Bất Thiện Nghiệp (Akusalakammaviñna) ở trong các kiếp sống trước trước và Thức Dị Thục Quả ở trong kiếp sống nầy làm thành Nhân.
Lục Xứ (Saḷayatana) tức là Lục Nội Bộ Xứ (Ajjhatikāyatana) có Nhãn Xứ v.v. hiện khởi lên bởi do nương vào Danh Sắc làm thành Nhân.
Lục Xúc (Phassa) tức là có Nhãn Xúc (Cakkhusamphassa) v.v. hiện khởi lên bởi do nương vào Lục Nội Bộ Xứ làm thành Nhân.
Lục Thọ (Vedanā) tức là Nhãn Xúc Thọ (Cakkhusamphassajāvedanā) v.v. hiện khởi lên bởi do nương vào Lục Xúc làm thành Nhân.
Lục Ái Dục (Taṇhā) hoặc 108 Ái Dục là tính theo toàn bộ, có Sắc Ái Dục (Rūpataṇhā) v.v. hiện khởi lên bởi do nương vào Lục Thọ làm thành Nhân.
Lục Chấp Thủ (Upādāna) có Dục Thủ (Kāmupādāna) v.v. hiện khởi lên bởi do nương vào Lục hoặc 108 Ái Dục làm thành Nhân.
Hữu (Bhava) tức là cả hai Nghiệp Hữu (Kammabhava) và Sinh Hữu (Uppattibhava) hiện khởi lên bởi do nương vào Tứ Chấp Thủ làm thành Nhân.
Sinh (Jāti) tức là sự sinh khởi của Tâm Dị Thục Quả Hiệp Thế, Tâm Sở và Sắc Nghiệp hiện khởi lên bởi do nương vào Nghiệp Hữu làm thành Nhân.
Lão Mại (Jarā), Tử Vong (Maraṇa) và Sầu Muộn (Soka), Bi Ai (Parideva), Khổ Đau (Dukkha), Ưu Thọ (Domanassa), Não Hại (Upāyāsa); cả bẩy điều nầy hiện khởi lên bởi do nương vào Sinh làm thành Nhân.
Như vậy sự sinh khởi của toàn bộ tất cả các Khổ Uẩn đây, là bởi do nương vào những Năng Duyên có Vô Minh v.v. như đã được đề cập đến ở tại đây.
“Ayamettha paṭiccasamuppādanayo”- “Và đấy là Phương Pháp Liên Quan Tương Sinh”. Thể theo như đã vừa được đề cập, đấy là Phương Pháp Liên Quan Tương Sinh ở trong Tổng Hợp Duyên Hệ nầy vậy.