Paticcasamuppada 017
VIỆC THẨM SÁT LIÊN QUAN TƯƠNG SINH THỂ THEO
CẢ TỨ PHƯƠNG PHÁP ĐỂ TỪ BỎ THẤT TÀ KIẾN (DIṬṬHI 7)
Việc thẩm sát Liên Quan Tương Sinh nhằm để cho lìa bỏ bảy thể loại Tà Kiến, thì có được bốn Phương Pháp, đó là:
- Phương Pháp Thống Nhất (Ekattanaya),
- Phương Pháp Biệt Thể (Nānattanaya),
- Phương Pháp Phi Cần Lao (Abyāpāranaya),
- Phương Pháp Như Thị Pháp (Evaṃdhammatānaya).
- Khi đã thẩm sát xong thì hiểu biết được rằng Danh Sắc Ngũ Uẩn của tất cả Chúng Hữu Tình có việc sinh việc diệt nối tiếp nhau không gián đoạn, trong một Hữu hoặc trong những Hữu nối tiếp. Việc thẩm sát hiểu biết ở thể loại này, được gọi là Phương Pháp Thống Nhất (Ekattanaya).
- Khi đã thẩm sát xong thì hiểu biết được rằng việc nối tiếp nhau của Danh Sắc Ngũ Uẩn đây, cho dù quả thật sẽ hiện hành một cách không gián đoạn, tuy nhiên Thực Tính của những thể loại Pháp Liên Quan Tương Sinh đây, lại có Thực Tính khác biệt nhau, có Nhân Quả khác biệt nhau. Việc thẩm sát hiểu biết ở thể loại này, được gọi là Phương Pháp Biệt Thể (Nānattanaya).
- Khi đã thẩm sát xong thì hiểu biết được rằng những Nhân sai khác có Vô Minh v.v. cho trổ sinh quả báo sai khác, có Hành v.v. Việc sinh khởi như thế để cho trổ sinh quả báo thì chẳng cần có sự nỗ lực tinh cần nào cả. Pháp làm thành Nhân và làm thành Quả nương theo Thực Tính mà sinh khởi lên hiện hành chỉ bấy nhiêu thôi; và chẳng có bất luận một điều nào để sẽ sắp bày cho hiện hành được. Việc thẩm sát hiểu biết ở thể loại này, được gọi là Phương Pháp Phi Cần Lao (Abyāpāranaya).
- Khi đã thẩm sát xong thì hiểu biết được rằng việc sinh khởi của những Pháp Quả đấy, chỉ chính bởi Nhân của mình, một cách đặc biệt không có chồng chéo với nhau; chẳng hạn như Hành chỉ sinh khởi khi có Vô Minh làm Nhân, ngoài Vô Minh này ra, thì những Pháp khác không thể nào làm Nhân cho Hành sinh khởi lên được. Việc thẩm sát hiểu biết ở thể loại này, được gọi là Phương Pháp Như Thị Pháp (Evaṃdhammatānaya).
+ Việc thẩm sát thể theo Phương Pháp Thống Nhất thì có khả năng từ bỏ được Đoạn Kiến và Vô Hữu Kiến, vì lẽ trông thấy liên tục nối tiếp nhau không gián đoạn; tức là sinh rồi diệt, hết diệt rồi lại sinh, không chấm dứt.
+ Việc thẩm sát thể theo Phương Pháp Biệt Thể thì có khả năng từ bỏ được Thường Kiến, vì lẽ trông thấy Thực Tính của Nhân và Thực Tính của Quả ấy không giống nhau; và Pháp làm thành Nhân làm thành Quả cũng thường luôn sinh khởi lên mới hoài hoài, chẳng phải sinh khởi rồi lại tồn tại an trụ suốt được. Chẳng hạn như Thọ với Ái Dục làm thành Nhân và làm thành Quả một đôi sinh khởi; khi đã sinh rồi cũng diệt mất đi, thế rồi lại sinh lên mới nữa và không có của cái cũ còn tồn tại, mà thường luôn chỉ là của cái mới. Bởi do thế, quan điểm chỗ nhận thấy rằng “vĩnh hằng” tức là Thường Kiến mới được diệt mất đi.
+ Việc thẩm sát thể theo Phương Pháp Phi Cần Lao thì có khả năng từ bỏ được Kiến Chấp Sáng Tạo Chủ (Issaranimmānavādadiṭṭhi) và Kiến Chấp Ngã (Attadiṭṭhi), vì lẽ Kiến Chấp Sáng Tạo Chủ có quan điểm rằng “Tất cả sự vật đã hiện khởi ở trong Thế Gian này là do có Thượng Đế là Đấng Sáng Tạo Chủ. Nếu không có Thượng Đế là Đấng đã kiến tạo lên rồi, thì những thể loại sự vật này cũng không thể nào sinh khởi lên được.” Còn Kiến Chấp Ngã có quan điểm rằng trong bản tính của tất cả Chúng Hữu Tình hiện hữu cái Tự Ngã; và chính cái Tự Ngã đấy, làm người sắp bày cho thực hiện những hành động đi theo sự duyệt ý vừa lòng của Tự Ngã đấy. Bởi do thế, khi thẩm sát nhận thấy rằng những Nhân và những Quả sinh khởi lên, thì thường hiện hành đi theo Pháp Thực Tính của mình. Pháp làm thành Nhân cũng chẳng phải có bất luận một việc lo lắng nỗ lực nào để sẽ cho quả báo của mình trổ sinh cả. Việc sinh khởi đích thực chính là Vô Ngã. Khi đã nhận thấy ở thể loại này rồi, thì mới diệt trừ được cả hai Tà Kiến như đã vừa đề cập đến đây.
+ Việc thẩm sát thể theo Phương Pháp Như Thị Pháp thì có khả năng từ bỏ được Vô Nhân Kiến và Vô Hành Kiến, vì lẽ Vô Nhân Kiến ấy có quan điểm rằng “Những sự vật đã khởi sinh lên là chẳng phải được sinh do bởi nương vào bất luận một Tác Nhân Thiện Nghiệp Lực hoặc Bất Thiện Nghiệp Lực nào cả. Tất cả Chúng Hữu Tình có sự an vui, sự khổ đau; đó chẳng qua là tự phát sinh lên theo lẽ thường nhiên, và chẳng phải khởi sinh lên từ ở nơi bất luận một Thiện Nghiệp Lực hoặc Bất Thiện Nghiệp Lực làm thành Nhân chi cả.” Còn Vô Hành Kiến thì có quan điểm rằng: “Hành động tạo tác cho dù là Thiện hoặc Bất Thiện đi nữa, thì cũng không gọi là Thiện hoặc Bất Thiện; muốn làm thì cũng cứ tự tiện làm.” Bởi do thế, người đã thẩm sát thể theo Phương Pháp Như Thị Pháp đây, ắt hẳn trông thấy được rằng Pháp làm thành Nhân làm thành Quả thì thường sinh khởi thành từng đôi một với nhau, và không thể tách ly được; chính vì thế mới có khả năng diệt trừ được cả hai Tà Kiến như đã vừa đề cập đây.
TRÌNH BÀY KỆ NGÔN NÓI LỜI KHUYÊN BẢO
TRONG VIỆC THẨM SÁT LIÊN QUAN TƯƠNG SINH
Anādidaṃ bhavacakkaṃ Vῑtakārakavedakaṃ
Niccasukhasubhattehi Suññaṃ passe punappunaṃ (Bhāsāṭῑkā)
Toàn bộ Xa Luân đều là một khối thống khổ hằng luân chuyển tuần hoàn một cách lâu dài, tính đếm về Hữu và kiếp sống khôn xiết, hẳn nhiên không thể biết được khởi thủy của việc luân chuyển tuần hoàn đấy được. Đoạn lưu Tự Ngã, tức là người sáng tạo và người thụ hưởng, chỉ là Vô Ngã; chẳng có Thực Tính là Thường Lạc Ngã Tịnh, bất luận trường hợp nào. Bậc Hữu Trí nên thẩm sát thường luôn, như đã vừa đề cập đến tại đây. (Được trích trong Bộ Phụ Chú Giải Phật Ngôn)
Người đã theo Phật Giáo thường luôn ưa thích thẩm sát và tìm kiếm đến các sự kiện; cho dù sẽ có niềm tin rằng Thế Gian mà Ta đang sinh sống đây hẳn nhiên là chẳng có tồn tại và bền vững lâu dài, ắt hẳn phải bị hoại diệt, và một khi đã bị hoại diệt đi rồi, thì lại khởi sinh lên mới nữa. Còn sự hiện hành của tất cả Chúng Hữu Tình mà đã có niềm tin theo Liên Quan Tương Sinh thì nói rằng: “Vì Vô Minh làm Nhân mới sinh Hành, vì Hành làm Nhân mới sinh Thức,” như vậy v.v. nhưng vẫn không vơi đi nỗi nghĩ suy thắc mắc rằng việc sinh khởi của Thế Gian và tất cả Chúng Hữu Tình khởi thủy phát sinh lên lúc ban đầu là trong thời gian nào. Khi đã cố gắng thẩm sát đi rồi, nhưng vẫn không thể đi đến quyết định được. Những hạng người đã có thẩm sát nhưng vẫn không quyết định được đây, thì cũng phát sinh lên sự tự hiểu biết lấy. Có nghĩa là một vài nhóm người tự hiểu biết rằng Thế Gian và tất cả Chúng Hữu Tình đây, thường hiện khởi bằng cách đoạn lưu Tác Nhân đã làm cho sinh khởi trong giai đoạn khởi thủy. Đối với sự việc Thế Gian bị hoại diệt và Thế Gian lại khởi sinh lên mới nữa; hoặc Vô Minh làm Nhân, Hành làm Quả; Hành làm Nhân, Thức làm Quả, v.v. với những thể loại này cũng chỉ làm thành Nhân khởi sinh về sau cho có Thế Gian và tất cả Chúng Hữu Tình hiện khởi lên thôi; thế nhưng chắc chắn rằng chẳng phải là Tác Nhân khởi thủy lúc ban đầu. Bởi do thế, người có sự tự hiểu biết lấy ở thể loại này, mới trở thành người có Vô Nhân Kiến khởi sinh lên bởi do bất tri bất giác. Lại có một nhóm khác nữa đã khởi lên tự hiểu biết lấy rằng Thế Gian và tất cả Chúng Hữu Tình phát sinh lên, là bởi do nương vào Nhân Quả như đã đề cập rồi đấy, mà Nhân Quả chỉ phát sinh lên theo lẽ thường nhiên, là sau khi Thế Gian và tất cả Chúng Hữu Tình đã hiện khởi lên thôi. Còn Tác Nhân khởi thủy ban đầu đấy, là cần phải có Bậc Đại Nhân, là Thượng Đế sáng tạo mới được. Nếu giả như không có Thượng Đế là Đấng sáng tạo lên, thì những sự vật này cũng không thể phát sinh lên được. Bởi do thế, người có sự tự hiểu biết lấy ở thể loại này, mới trở thành nhóm người Kiến Chấp Sáng Tạo Chủ (Issaranimmānavādadiṭṭhi) bởi do bất tri bất giác, cũng tương tự như nhau.
Cả hai nhóm người như đã vừa đề cập đến đây, đều có những sự nghĩ suy đã làm cho mất đi sự lợi ích; tức là trong sự việc không đáng nghĩ suy lại lấy đi nghĩ suy, cho đến nỗi đã làm cho mình trở thành nhóm Tà Kiến đi rồi.
Với lý do này, Đức Thế Tôn mới lập ý khuyến giáo đến tất cả Chư Tỳ Khưu rằng: Cattārimāni bhikkhave acinteyyāni na cite tabbāni, yāni cintento ummādassa vighātassa bhāgῑ assa, katamāni cattāri ? Buddhānaṃ bhikkhave buddhavisayo acinteyyo na cintetabbo yaṃ cintento ummādassa vighātassa bhāgῑ assa, jhāyissa bhikkhave jhānavisayo acinteyyo na cintetabbo, yaṃ cintento ummādassa vighātassa bhāgῑ assa, kammavipāko bhikkhave acinteyyo na cintetabbo, yaṃ cintento ummādassa vighātassa bhāgῑ assa, lokacintā bhikkhave acinteyyā na cintetabbā yaṃ cintento ummādassa vighātassa bhāgῑ assa, imāni kho bhikkhave cattāri acinteyyāni na cintetabbāni yāni cintento ummādassa vighātassa bhāgῑ assāti - Này Chư Tỳ Khưu, sự việc không nên để nghĩ suy, thì được gọi tên là Bất Khả Tư Nghì (Acinteyyadhamma – Chẳng thể nghĩ bàn), hiện hữu ở bốn trường hợp; và nếu giả như có người nào lấy để nghĩ suy rồi, thì người ấy sẽ có thể đi đến thành người cuồng loạn và có sự thống khổ ở nội tâm. Bốn thể loại sự việc không nên để nghĩ suy đấy, là gồm có những chi ? Này Chư Tỳ Khưu,
- Một là Phật Giới (Buddhavisaya) là sự kiện hữu quan với sự hiện hành của Chư Phật, cùng với Uy Lực (Ᾱnubhāva) của Chư Phật, và Ân Đức Phật Bảo (Buddhaguṇa) từ nơi Chư Phật; là sự việc không nên để nghĩ suy;
- Hai là Thiền Giới (Jhānavisaya) là Thắng Trí Thiền Định từ nơi tất cả các Bậc lập ý Thần Túc Thắng Trí; cũng là sự việc không nên để nghĩ suy;
- Ba là Nghiệp Quả (Kammavipāka) là quả báo từ nơi tất cả Nghiệp Lực, có Hiện Báo Nghiệp Lực v.v.; cũng là sự việc không nên để nghĩ suy;
- Bốn là Tâm Tư Thế Gian (Lokacintā) là sự hiện hành của Thế Gian; tức là Thế Gian là chỗ nương trú của Chúng Sinh và tất cả Chúng Hữu Tình; mặt đất, núi đồi, sông nước, cây cối v.v. những thể loại này cũng là sự việc không nên để nghĩ suy.
Này Chư Tỳ Khưu, bốn thể loại sự việc không nên để nghĩ suy như đã vừa đề cập đến đây; và nếu giả như có người nào lấy để nghĩ suy rồi, thì chắc chắc rằng người ấy sẽ có thể đi đến thành người cuồng loạn và có sự thống khổ ở nội tâm. (Trích trong Chánh Tạng Pāḷi, Tăng Chi Bộ Kinh; Chương thứ IV, Phẩm Bốn Chi Pháp).
Với lý do như đã vừa đề cập đến đây, tất cả hàng Phật Tử nên thẩm sát việc luân chuyển tuần hoàn từ nơi Liên Quan Tương Sinh với cả bốn Phương Pháp, có Phương Pháp Thống Nhất v.v. như đã có được trình bày; và một khi đã thẩm sát một cách thấu đáo rồi, thì sẽ phát sinh tri kiến tự liễu tri được rằng sự hiện hành của Thế Gian và tất cả Chúng Hữu Tình hẳn nhiên là chẳng có Tác Nhân khởi thủy ban đầu vậy. Lại nữa, người đã có được liễu tri sự hiện hành từ nơi Liên Quan Tương Sinh, sẽ vượt thoát ra khỏi Vòng Luân Hồi, ắt hẳn chưa từng có được, ngay cả dù chỉ sẽ là mơ tưởng. Chính vì thế, người Phật Tử là bậc có kỳ vọng sẽ vượt thoát ra khỏi toàn bộ khối Thống Khổ, phải nên cố gắng để liễu tri đến sự hiện hành từ sự luân chuyển tuần hoàn của Xa Luân chỗ được gọi là Liên Quan Tương Sinh một cách thấu đáo.
VIỆC THẨM SÁT LIÊN QUAN TƯƠNG SINH CỦA TRƯỞNG LÃO ĀNANDA
VÀ LỜI GIÁO GIỚI CỦA BẬC CHÁNH ĐẲNG GIÁC
Vào một thời, Đức Thế Tôn ngự ở thị trấn Kammāsadamma trong Xứ Kuru. Trưởng Lão Ānanda đi trì bình khất thực từng mỗi nhà trong một thôn làng, để tế độ tất cả Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ, ví tựa như mang một túi tài sản đi phân phát đến với những dân làng ấy vậy. Một ngày nọ, khi Trưởng Lão đã đi trì bình khất thực và đã quay trở về độ thực xong; thế rồi y theo bổn phận của Ngài đã đi đến phụng dưỡng phục vụ Đức Thế Tôn. Khi đã đến thời gian giữa trưa ngọ, Đức Thế Tôn đã ngự vào Hương Thất để chỉ tịnh, và rồi Ngài Trưởng Lão Ānanda đã quay trở lại Tịnh Thất của Ngài, thực hiện việc huấn giáo dạy dỗ đồ đệ của Ngài cũng đã vừa xong, thì liền đi tĩnh tọa tầm cầu thụ hưởng lạc vị giải thoát. Tức là Nhập Thiền Quả (Phalasampatti) ngay tại nơi đấy; và khi đã xuất khỏi Thiền Quả, thế rồi đã thẩm sát Liên Quan Tương Sinh theo phần Thuận, phần Nghịch, rồi lại thẩm sát từ đầu cho đến đoạn giữa theo phần Thuận, theo phần Nghịch từ cuối cho đến đoạn giữa; thể theo phương cách thẩm sát rằng “Chỉ có Hành sinh khởi bởi do nương vào Vô Minh làm Nhân thôi; chứ chẳng phải là Tự Ngã, Tôi, Anh, người Nam, người Nữ, sinh khởi bởi do nương vào Vô Minh; vả lại Vô Minh cũng là Pháp Quả sinh khởi bởi do nương vào Nhân tùy theo thích hợp. Chỉ có Thức sinh khởi bởi do nương vào Hành làm Nhân thôi; chứ chẳng phải là Tự Ngã, Tôi, Anh, người Nam, người Nữ, sinh khởi bởi do nương vào Hành; vả lại Hành cũng là Pháp Quả sinh khởi bởi do nương vào Nhân tùy theo thích hợp.” Ngài cứ mãi lần lượt thẩm sát theo phương cách này, cho đến Lão Mại – Tử Vong ngần ấy đã sinh khởi bởi do nương vào Sinh làm Nhân, chứ chẳng phải là Tự Ngã, Tôi, Anh, người Nam, người Nữ, sinh khởi bởi do nương vào Sinh. Ngài đã thẩm sát đến ba lần; tức là từ đầu cho đi đến cuối và từ cuối cho đi đến đầu; từ đầu cho đi đến giữa và từ giữa cho đi đến đầu; từ cuối cho đi đến giữa và từ giữa cho đi đến cuối. Trong khoảng giữa thời gian đang thẩm sát đấy, sự hiện hành của Liên Quan Tương Sinh có việc hiệp trợ thể theo Nhân và Quả, ở cả 12 Chi Phần, cũng hiện bày lên rõ ràng ở trong Trí Tuệ của Ngài, và Ngài mới nghĩ suy rằng “Tất cả Chư Phật, Đức Thế Tôn đã lập ý trình bày rằng Pháp Liên Quan Tương Sinh này có thực tính thậm thâm vi diệu cực nan kiến; và trạng thái hiện hành cũng biểu hiện cho được nhận thấy rằng thậm thâm vi diệu cực nan kiến. Chính tự Ta đây cũng chỉ là hạng Thinh Văn và có Trí Tuệ chỉ một phần ngần ấy thôi, thế mà cũng có sự sáng tỏ rõ ràng trong sự hiện hành của Pháp Liên Quan Tương Sinh này làm thành một cách tốt đẹp. Các bậc Thinh Văn khác sẽ có được cảm thọ tương tự ở thể loại như Ta không nhỉ ?” Khi đã đến lúc hoàng hôn, Trưởng Lão Ānanda đã đi đến diện kiến Đức Chánh Đẳng Giác, và rồi đã quỳ lạy tác bạch rằng: Acchariyaṃ bhante, abbhutaṃ bhante, yāvagambhῑro cāyaṃ bhante paṭiccasamup pādo gambhῑrābh āso ca, atha ca pana me uttānukuttānako viya khāyati - Kính bạch Đức Thế Tôn, quả thật là điều rất huyền diệu, là một điều rất đặc biệt, đã không từng hiện bày từ trước đây. Kính bạch Thế Tôn, Ngài là bậc tiến hóa, Pháp Liên Quan Tương Sinh này đã hiện bày rõ ràng đối với con tương tự như rằng Pháp này rất là nông cạn vậy.
Khi Đức Thế Tôn đã lập ý lắng nghe Trưởng Lão Ānanda tác bạch như thế rồi, thì rủ lòng bi mẫn nghĩ suy rằng “Ānanda đệ tử của Ta đây đã đề cập đến lãnh vực địa hạt của tất cả hàng Chư Phật, là Pháp Liên Quan Tương Sinh này đã hiện bày thấu đáo rõ ràng đến với mình. Sự việc Ānanda đã nói như vậy, y như thể là cố gắng với tay lên cho đến Cõi Cùng Tột Hữu, cố gắng bổ Tu Di Sơn cho tách ra để sẽ lấy thạch ngọc ở bên trong vậy, cố gắng sẽ vượt qua đại dương mà chẳng phải nương nhờ vào thuyền bè, cố gắng sẽ lật ngược quả địa cầu để sẽ lấy bổ phẩm ở trong lòng đất vậy. Khi đã là như thế, thì Ta cần phải cản ngăn lời nói này.” Khi Đức Phật đã suy nghĩ như thế rồi, mới phán truyền với Ngài Ānanda rằng: Mā hevaṃ Ānanda mā hevaṃ Ānanda gambhῑro cāyaṃ Ānanda Paṭiccasamup pādo gambhῑravābhāso - Này Ānanda, chớ nên nói như vậy, chớ nên nói như vậy, này Ānanda; Pháp Liên Quan Tương Sinh đây có Thực Tính thậm thâm vi diệu cực nan kiến, và có trạng thái hiện hành cũng biểu hiện cho được thấy rằng thậm thâm vi diệu cực nan kiến. Pháp Liên Quan Tương Sinh là Pháp có Thực Tính thậm thâm vi diệu cực nan kiến, và có trạng thái hiện hành biểu hiện cho được thấy rằng thậm thâm vi diệu cực nan kiến; cũng tỷ như nước trong đại dương ở sát cận Tu Di Sơn, dường như thể ấy.
Theo lẽ thường nhiên, sự hiện hành của nước hiện hữu ở bốn thể loại, đó là:
- Một vài nơi, khi đã trông thấy thì hiểu biết được là sâu thẳm; tuy nhiên sự thật thì chỉ cạn độ 2 – 3 hắc tay thôi. Chẳng hạn như nước ở trong hồ hoặc trong mương lạch có lá cây rụng xuống, đã rã mục ở dưới đáy hồ hoặc đáy mương; và đã làm cho nước ấy hiện bày sắc màu xanh lam. Người trông thấy, thì sẽ hiểu biết rằng nước ở trong hồ, hoặc trong mương ấy rất sâu thẳm; tuy nhiên nếu như dò xem nông hay sâu, thì sẽ hiện bày là cạn hều.
- Nước ở một vài nơi, khi đã trông thấy thì hiểu biết được là nông cạn; tuy nhiên sự thật thì rất sâu thẳm. Chẳng hạn như nước ở trong hồ, hoặc ở trong ao, trong suối; thì một vài nơi có sự trong vắt cho đến nỗi nhìn thấy được các sự vật hiện hữu ở đằng ấy một cách rõ ràng; và đã làm cho người trông thấy có sự hiểu biết rằng là cạn hều. Tuy nhiên nếu như dò xem nông hay sâu, thì sẻ hiện bày là sâu thẳm.
- Nước ở một vài nơi, khi đã trông thấy thì hiểu biết được là cạn hều, và sự thực nước trong chỗ đấy cũng có Thực Tính là cạn hều; chẳng hạn như nước ở trong cái lu, trong cái chậu, trong cái nồi, v.v.
- Nước ở một vài nơi, khi đã trông thấy thì hiểu biết được là sâu thẳm; và sự thực nước ở trong chỗ đấy cũng có Thực Tính là sâu thẳm, chẳng hạn như nước ở trong đại dương hùng vĩ.
Sự thậm thâm của Pháp Liên Quan Tương Sinh đây, là thuộc ở trong nhóm nước được phân loại thứ tư, và đích thực rất khó khăn với người thông thường để sẽ được liễu tri một cách sáng tỏ rõ ràng. Với lý do như vậy, Đức Chánh Đẳng Giác mới phán truyền cản ngăn Ngài Ānanda không cho được nói rằng Pháp Liên Quan Tương Sinh này y như thể là loại Pháp rất là nông cạn đối với Ngài Ānanda. Trong tất cả các hàng Chư Thinh Văn của Đức Chánh Đẳng Giác – ngoại trừ hai Bậc Chí Thượng Thinh Văn ra – thì các Chư vị Thinh Văn khác để sẽ có được tri kiến trong Pháp Liên Tương Sinh một cách rõ ràng thấu đáo tương tự với Ngài Ānanda đây quả thật không có; và trong sự việc Ngài Ānanda có Trí Tuệ liễu tri được rõ ràng thấu đáo như vậy, thì cần phải nương vào bốn yếu tố Tác Nhân, đó là:
- Kỳ Phúc Thị Giả (Upaṭṭhakaadhikāro): Là người đã từng kiến tạo Xả Thí, Trì Giới, Tu Tập; và rồi đã có sở nguyện vọng được làm Thị Giả Đức Phật.
- Môn Đồ (Antevāsiko): Được làm người thân cận (môn đồ, đệ tử) với Bậc Đại Tôn Sư.
- Thất Lai Giả (Sotāpanno): Đã thành tựu viên mãn Quả vị Thất Lai.
- Đa Văn Giả (Bahussutadharo): Làm thành bậc đa văn quãng kiến.